langhuehd 125x50

Xưng Hô Trong Phong-Trào Hướng-Đạo Việt-Nam 

    Danh-từ “trưởng” đã có từ thời trưởng Võ Thành Minh nhưng vào thời-gian đó lối xưng hô “anh, em” đã khá phổ-thông (1).
 

Nhiều người cho rằng BP muốn những người HĐ coi nhau như anh em cho nên việc xưng hô “anh, em” là thể-hiện được ước muốn của vị khai-sáng Phong-Trào.
 

 Trong bài “Đổi Cách Xưng Hô”, trưởng Nghiêm Văn Thạch đề-nghị đổi cách xưng hô thành “anh, em”. Ông kể lại trưởng Trần Văn Khắc cũng thích như vậy.
 

   Gần đây nhờ phương-tiện truyền-thông tiện-lợi, việc thảo-luận trở nên dễ-dàng. Đã có nhiều trao đổi ý-kiến. Có người nghĩ rằng gọi nhau là “anh, em” gợi lên cái tinh-thần thân-thiết, bình-đẳng của những người trong một gia-đình. 
 

Nếu đọc bài viết của Trưởng Nghiêm Văn Thạch sẽ thấy ông nói: “…Cuộc đối thoại là giữa những người Hướng-Đạo trưởng-thành, vừa là bạn bè, vừa là anh em (…)”. 

Vì thế, tôi không dám chắc hai trưởng lào-thành Trần Văn Khắc và Nghiêm Văn Thạch muốn áp-dụng cho tất cả mọi người trong đó có các em đoàn sinh nhỏ tuổi.

     Ý nghĩ cho rằng việc xưng-hô “anh em” là thể-hiện được cái tinh-thần của BP nên cần phải thực-hiện. Điều này không hẳn đúng. BP nhấn mạnh đến tình thân ái chứ không nói chúng ta phải xưng hô như thế nào. Tiếng Anh có chữ “I” và “You” không có chữ “Anh và Em” .

     Nhiều khi vội-vàng lý-luận cho điều này lại mang đến sự bất-tiện cho điều khác nếu không thận-trọng. Chúng ta nên để ý đến các phát-sinh (issues) khi muốn một điều được áp-dụng.

    Tại USA, thành phố Philadelphia được mệnh-danh là Thành Phổ Của Tình Anh Em (City Of Brotherly Love) nhưng “anh em” vẫn thường bắn giết nhau . Nhiều năm qua, những người có trách-nhiệm không dùng cái tên kêu để giải-quyết vấn-đề mà họ tìm giải-pháp cho những chuyện kỳ-thị, hút sách, nghèo đói, tội ác,…

     Tôi kể ra đây số điều xẩy ra liên-hệ tới việc xưng hô “anh em”. Không phải tất cả các trưởng lão-thành ai cũng thích dùng hai chữ “anh, em” cho  mọi người trong phong-trào như đã có sự ngộ-nhận

 

     - Trong thời-gian việc xưng hô “anh em” thịnh-hành. Một trưởng trẻ gọi một trưởng lão-thành là anh và xưng em do thói quen chứ không có ý bất kính. Người trưởng lão-thành bực mình nói: “Tau là anh em với cha mi chứ không phải với mi”. Vị trưởng lão thành từng có vai-trò quan-trọng trong Ban Huấn-Luyện Quốc-Gia

     - Hai cha con một trưởng tới thăm một trưởng khác là bạn của người cha. Không có việc gì trở-ngại cho đến khi một vị khách ngoài phong-trào tình-cờ tới thăm. Ông khách ngơ-ngác không hiểu tại sao cả hai cha con có thể cùng xưng-hô “anh, em” với chủ-nhà (hai trưởng ‘cha, con” sau này ở trong toán Huấn-Luyện Quốc Gia) .

     - Trong một đạo nọ tại Sàigon . Vị đạo trưởng có 2 người con làm Liên Đoàn Trưởng . Nếu không có sự hướng-dẫn khéo léo của đạo, việc các em đoàn sinh xưng hô với cả 3 người là anh là điều khó chấp-nhận với phụ-huynh và cả gia-đình của các trưởng nhất là trong trường-hợp khi phu-nhân của vị đạo-trưởng tới, các em gọi là “bà” nhưng gọi 3 người trưởng là anh! Không cẩn-thận, Hướng-Đạo sẽ bị coi là thiếu kỷ-cương .

 

     - Một trưởng đơn vị có con là thiếu sinh trong đoàn. Em thiếu sinh xưng hô với cha mình khi sinh-họat là “anh, em” ư? Đây là chuyện cương-thường đảo lộn. May mắn em thiếu sinh lúc đó gọi cha mình là “trưởng” và xưng "con" . (Cả hai trưởng sau này đều ở trong toán huấn-luyện quốc gia),

 

   Khoảng năm 1965 đến 1975 danh từ “trưởng” trở nên phổ-thông trong các trại huấn-luyện nhất là ở các trại Bạch-Mã, Huy-HIệu Rừng, NTC rồi lan ra tới nhiều đơn vị .

   Tại hải ngoại trong ba trại Huy Hiệu Rừng Tùng Nguyên đầu tiên do hội HĐ Canada tổ-chức, danh-từ trưởng thường được dùng trong thời-gian huấn-luyện .

 

     Phong-tục của người Việt coi trọng trật-tự trên dưới .

   Thí dụ những người có gia-đình gọi em mình là “chú:, là “cậu”, là  "dượng", là “dì”, là “mợ”, là “cô”,… để khi các con mình còn nhỏ đã bắt chước theo, khỏi phạm lỗi với ngườI trên .

 

   Thói quen, tập-tục có thể còn thiếu-xót nhưng truyền-thống thường có tính cách phổ-cập (universal) và hoàn-mỹ .

 

   Một phong-trào thật sự tốt đẹp cần phát-triển theo đường-hướng của mình và phù-hợp với truyền-thống văn-hoá của các quốc-gia. Hy-vọng mọi trưởng trong Phong-Trào HĐVN đều để ý và thực-hiện điều này.

 

Mong thay!

 

Thầy Giáo Thôn Đông, Làng Huệ

(Nguồn: (http://langhue.org)

 

__________________________________________________________________________________

(1)   Trưởng Tôn Thất Sam cũng xác-nhận điều này