langhuehd 125x50

Tâm-tình viết về một đoạn đường đã qua

                                                                                                                                Thân tặng tr Trần Anh Kiệt

 

 Kể từ năm 1907 khi Baden Powell dẫn các em nhỏ đi cắm trại tại đảo Brownsea đến nay đã gần 100 năm. Con số Hướng-Đại từ 21 người lúc đầu nay đã tăng lên đến khoảng 29 triệu người. Phong-trào Hưóng-Đạo không những là nguồn vui cho người tham-dự mà còn mang lại cho họ những lợi-ích về tinh-thần. Lý-tưởng Hướng-Đạo đã vượt những biên-giới để có mặt tại tại 216 quốc-gia trong đó có 154 là thành-viên chính-thức.

 

 Tại Việt-Nam trong giai-đoạn khởi-đầu của Phong-Trào, nhà cầm-quyền thực-dân Pháp dành cho Hướng-Đạo một số dễ-dãi nên các nhạc-sĩ HĐ có dịp viết và phổ-biến những bản nhạc ái-quốc. Những bản nhạc này không những đã đóng góp nhiều cho nền tân-nhạc Việt-Nam trong thỡi-kỳ phôi-thai mà còn khơi dậy lòng yêu nước của hàng ngàn năm lịch-sử.

Hoàng-Quý với Nước Non Lam-Sơn, Bóng Cỡ Lau, Trên Sông Bạch-Đằng,…Văn Cao với Thăng-Long Hành-Khúc, Gò Đống-Đa,… Lưu Hữu Phước với Chi-Lăng, Bạch Đẵng Giang, Hội Nghị Diên-Hồng,… Hoàng-Phú (Tô-Vũ) với Ngày Xưa,…

Một số những người khác như các trưởng Võ Thành Minh, Mai-Liệu đã mang tâm-tình thiết-tha của mình gửi tới mọi người qua việc soạn lời Việt cho những bản nhạc ngoại-quốc.

Tiếp theo giai-đoạn khởi đầu, những bản nhạc của các trưởng như Lê Hữu Mục, Nguyễn Văn Thích (LM), Nguyễn Đức Quang, Tiến-Lộc,… được mọi người khắp nước ưa-chuộng.

Tình yêu Tổ-Quốc, Thiên-Nhiên và sự Dấn-Thân trong lời nhạc đã mở rộng cánh cửa để người dân trong nước nhìn thấy cả khung trời tươi sáng.

Bài “Cái Nhà” của Trưởng LM Nguyễn Văn Thích là một trong những bài nhạc phổ-thông nhất trong những bản nhạc Việt-Nam. Bài hát tuy ngắn, đơn-sơ nhưng có ý-nghĩa cao sâu của tâm-hồn người viết. Bài hát khi dứt chữ cuối cùng có thể bắt lại vào đoạn đầu tiên một cách liên-tục tưởng như diễn tả cái tình yêu nước không bao giờ nguôi ở mỗi chúng ta. Người nhạc-sĩ HĐ Nguyễn Văn Thích vào lúc cuối đời vẫn còn nặng lòng với giáo-dục. Vị cựu giáo-sư đại-học xin được mở trường mẫu-giáo sau năm 1975 nhưng không được chấp-thuận.                                   

Khi biến-cố 1975 xẩy tới. Hội Hướng-Đạo Việt-Nam ngưng hoạt-động nhưng Phong-Trào HĐVN vẫn tiếp-tục. Giữa những đau-đớn vì chia-lìa của hàng trăm ngàn người nơi các trại tạm-dung những người HĐ đã nhiệt-thành phục-vụ, các đơn-vị sinh-hoạt được thành hình tại Hồng-Kông, Phi-Luật-Tân , Hoa-Kỳ, Nam-Dương, Thái-Lan,…

Đây là một hiện-tượng độc-đáo trong lịch-sử HĐ thế-giới.

Chúng ta đã mang lại nguồn vui cho các thanh-thiếu niên, xoa dịu những nỗi buồn mất mát cho những ngưỡi nhìn vào tương-lai bất-định.

Hướng-Đạo gây được uy-tín với chính-quyền và dân-chúng tại nhiều quốc-gia dù ngay trong giai-đoạn tạm-cư nay ở, mai đi.

Tại Mỹ, Hướng-Đạo đã góp phần trong chương-trình khuyến-khích người dân Hoa-Kỳ bảo-trợ các gia-đình Việt-Nam.

Một lần các nam nữ thiếu sinh trại Indian Town Gap, Pennsylvania được cử tới Đại-Hội Các Tuyên-Úy. Các em nhịp-nhàng tiến vào hội-trường trong tiếng hát hồn-nhiên. Mọi người chăm-chú nhìn cuộc trình-diễn. Trước khi tạm-biệt, vị Điều-Hợp Trại lên nói chuyện. Ông nói rằng “Các vị đã thấy, các em nhỏ Việt-Nam ngoan-ngoãn và dễ thương như các con em của chúng ta… Chúng tôi mong được sự trợ-giúp của quý-vị”. Rồi nghẹn-ngào không nói được nữa, ông khóc... Cả hội-trường bỗng nổi lên những tràng vỗ tay như sấm động. Các Tuyên-Úy đứng cả dậy để hưởng-ứng. Linh-hồn của buổi trình-diễn hôm đó là Trưởng Nguyễn Thị Hồ-Thanh. Các trưởng khác đứng phía dưới thấy những sự-kiện trước mặt nhạt-nhòa vì họ đã nhìn qua làn nước mắt cảm-động.

Các thiếu-sinh được yêu mến đến nỗi một Thượng Nghị Sĩ vận-động gửi các em đi chơi trên du-thuyền dài nhiều tuần. Ban Điều-Hành của trại lo-ngại điều này sẽ làm trở-ngại cho công-cuộc định-cư đang tiến-hành. Vị Thượng Nghị Sĩ nói nếu Ban Điều-Hành Trại không chấp-thuận, ông sẽ gặp Tổng-Thống Ford. Chỉ khi các Trưởng HĐ từ-chối, vị Nghị-Sĩ giầu lòng yêu-thương này mới đổi ý.

 X             X

 X

 Trong giai-đoạn người Việt định-cư tại quốc-gia trên thế-giới các đơn-vị HĐVN được thành-lập kháp nơi dù chưa có sự phối-hợp.

Chỗ nào đông người Việt, chỗ đó có HĐ.

Chỗ nào thưa-thớt việc thành-lập khó-khăn hơn.

Có Trưởng phải dậy từ sáng sớm lái chiếc cũ cà rịch, cà tang tới từng nhà đón các em đi họp…

Có Trưởng mang bình sữa, bế con nhỏ đi họp…

Có Trưởng mỗi tuần từ tiểu-bang khác lái xe tới để làm phần-vụ của mình. Mỗi lần như thế mất 4, 5 tiếng đồng hồ lái xe.

HĐVN phát-triển mạnh nhất ở Hoa-Kỳ. Nhiều tiểu-bang có các đơn-vị HĐVN.

Miền Nam California hiện nay có 8 Liên-Đoàn, khoảng 1000 HĐ. Riêng chỉ một Liên-Đoàn Chi-Lăng cũng đã có khoảng 200 ngườị.

Tại Miền Bắc California, LĐ Diên-Hồng được thành-lập đầu tiên; hiện nay có 9 LĐ, khoảng 600 người.

Tại Texas có 8 LĐ, 31 đơn-vị.

Tại Úc Tráng-Đoàn Trùng-Dương là đơn-vị đầu tiên được thành-lập năm 1979. Hiện nay có 8 LD và 1 tráng đoàn với túc-số 400 người.

Tại Canada đơn-vị đầu tiên là Tráng Đoàn Trần Nguyên Hãn do Trưởng Bùi Thế Hưng thành-lập vào ngày 20 tháng 2 năm 1982. Ngay năm đó các đơn-vị nam nữ thiếu được thành hình. Lúc cực thịnh có 185 em.

Tại Đức, các đơn-vị đầu tiên là LĐ Quang-Trung tại Munich và LĐ Sào-Nam tại Berlin. Chi-Nhámh Đức hiện nay có khoảng 50 đoàn sinh. Lúc cực-thịnh con số lên tới 300 người.

Tại Pháp, có chi-hội HĐVN riêng. Hiên nay có 3 LĐ với 8 đơn-vị.

Tại VN, hội HĐVN vẫn còn ngưng hoạt-động nhưng nhiều năm qua những sinh-hoạt Hướng-Đạo vẫn còn.

Năm 2004, một trại hè của một Đạo có 200 người tham-dự, một nơi khác có 100 HĐ sinh tham-dự. Ngày lễ thánh George

số ngưỡi tham-dự khoảng 500 người.

Đặc-biệt trong sinh-hoạt ngành Tráng, Trưởng Voi Hoạt-Bát và anh chị em đã có những hoạt-động gây được ảnh-hưởng mạnh trong quần chúng. Trưởng Voi đã đến với những người trong và ngoài nước cần đến ông. Tư` các trại HĐ, các cuộc hội-thảo đến các đại-hội giới-trẻ số người tham-dự vượt quá con số 20000 ngưỡi.

Những công-tác xã-hội do nhóm HĐ của Trưởng khởi-xướng đã thu-hút những ngưỡi từ-tâm, bác-sĩ, kỹ-sư, giáo-sư đại-học đến cộng-tác chung.

Trưởng Quyên Lý-Luận thành-lập một đơn-vị HĐ tật nguyền. Chị đã mang yêu-thương và hy-vọng đến những người kém may-mắn. Việc làm của chị đã gây thêm cái cảm-hứng dấn-thân cho các Trưởng HĐ từ xa về thăm. 

  X             X

  X

 Sự sinh-hoạt HĐ không chỉ giới-hạn trong giới trẻ. Phong-trào Hướng-Đạo Trưởng Niên VN cũng phát-triển tại nhiều nơi.

Trước kia, Trưởng lão-thành Trần Văn Khắc và một số cựu HĐ có sinh-hoạt chung. Trưởng Mai-Liệu muốn nới rộng tới cả những người chưa từng gia-nhập HĐ.

Đề-nghị này được chấp-thuận.

Phong-trào HĐ Trưởng Niên Việt-Nam thành hình.

Tưởng cũng nên biết rằng Phong-Trào HĐ Trưởng Niên Thế-Giới được hình thành từ năm 1957 nhưng sự phát-triển không được sâu rộng.

Hiện nay chúng ta có Làng Bách-Hợp Paris, Làng Rhones Alpes tại Pháp. Xóm Ottawa tại Canada, Làng Bách-Hợp Sydney (Úc), Làng Bách-Hợp Bắc California, Xóm Sacramento, Làng Bách-Hợp Orlando, Xóm Trưởng Niên North Carolina, Làng Bách-Hợp Market (Xóm Chuối),… tại Hoa-Kỳ.

Cái lý-tưởng HĐ là ngọn đuốc soi đường của chúng ta. Lý-tưởng đó còn là ánh sáng cho một số người chưa từng là HĐ. Đã có ít nhất hai trường-hợp anh em cùng trại tù xin vào HĐ. Họ không nhìn các Trưởng của chúng ta qua bộ y-phục mà qua tư-cách của người HĐ giữa lúc gian-chuân. Buổi tuyên-hứa không có anh chị em quây-quần, không có Bài Ca Chính-Thức HĐVN nhưng họ được trao cái Hoa Huệ độc nhất mà người cho tuyên-hứa mang theo.

Chúng ta còn có trường-hợp “Hướng-Đạo Một Mình”. Người sinh-hoạt HĐ không có ai bên cạnh mà chỉ có chính-họ. Có lần “một tù-nhân chính-trị” cũng là Trưởng HĐ. Người ta dẫn anh đi ngang qua một cái nhà trong rừng. Căn nhà có một cái nóc khác thường. Khi nhóm người được phép dừng lại để xin nước uống, người tù HĐ hỏi chủ nhân về cái nóc nhà. Ông này trả lời rằng đó là số III và số X theo lối La-Mã biểu-tượng cho 3 lời hứa và 10 điều luật HĐ mà ông cưu-mang. Người tù giơ tay trái bắt tay người chủ nhà rồi phải lên đường. Hai người chưa từng quen mặt nhưng bỗng nhận ra anh em của mình…

 X             X

 X

 Ở ngoại-quốc chúng ta còn có những trại Họp Bạn HĐVN.

Trại Họp Bạn đầu tiên, Thẳng-Tiến I, được tổ-chức tại Jamville, Pháp năm 1985.

Trại Họp Bạn Thẳng-Tiến II tại Canada vào năm 1988.

Trại Họp Bạn Thẳng Tiến III tại Santa Cruz, California, Hoa-Kỳ năm 1990.

Trại Họp Bạn Thẳng-Tiến IV tại Le Breuil, Pháp năm1993.

Trại Họp Bạn Thẳng-Tiến V tại Sydney, Úc-Châu năm 1995.

Trại Họp Bạn Thẳng-Tiến VI tại Virginia, Hoa-Kỳ năm 1998.

Trại Họp Bạn Thẳng-Tiến VII tại Houston, Hoa-Kỳ năm 2002

Trại Họp Bạn Thẳng-Tiến VIII sẽ được tổ-chức tại Hoa Kỳ năm 2005.

 Các trại Họp Bạn thường được HĐTƯ ủy-nhiệm cho HĐVN tại địa-phương tổ-chức. HĐ khắp các nơi về họp mặt vài ngày nhưng những người trong ban tổ-chức phải sửa-soạn nhiều tháng, đôi khi cả năm. Cái đẹp khi tổ-chức những trại này là luôn luôn có một số HĐ và ân-nhân hy-sinh nhưng không cần ai biết đến. Họ chỉ mong làm một cái nút nối chặt tình anh chị em HĐ.                   

 X             X

  X

Về Huấn-Luyện, HĐVN tổ-chức nhiều trại HĐ cao-cấp.

Trại Tùng-Nguyên I được Trưởng Lê Phục Hưng tổ-chức tại Woodland Trail, Toronto Canada năm 1991. Đây là Trại Huy-Hiệu Rừng Ngành Thiếu dựa theo chương-trình Canada. Các Huấn-Luyện Viên gồm các Trưởng Huấn-Luyện Việt-Nam và Canada.

Trại Tùng-Nguyên II được Trưởng Lê Phục Hưng tổ-chức, miền Nam California, Hoa-Kỳ. Trại này gồm có một khóa Huy-Hiệu Rừng Ngành Tráng và một khóa TD1 (Huấn-Luyện các trưởng trở thành ALT (3 gỗ)). Trại này dùng chương-trình huấn-luyện của Canada nhưng có thêm phần Văn-Hóa Việt-Nam. Khóa Sinh tham-dự có khoảng 90 người. Hội HĐ Hoa-Kỳ chấp-thuận cho phép tổ-chức và cho mượn đất trại.

Trại Tùng-Nguyên III được tổ-chức vào năm 1996 tại Gilwell, Anh-Quốc. Ngoài khóa Dự-Bị được nghiên-cứu để phù-hợp với sinh-hoạt của các nước có HĐVN, khóa Huấn-Luyện MAIN (Huấn-Luyện các trưởng trở thành LT (4 gỗ)) và các khóa Huy-Hiệu Rừng Tráng và Nhi đều theo chương-trình của HĐ Canada. HĐ Anh chấp-thuận việc tổ-chức và cho mượn đất trại.

Trại Tùng-Nguyên III có sự tham-dự của các trại sinh từ Hoa-Kỳ, Canada, Pháp, Phần-Lan, Úc, Anh và Estonia.

Người khóa-sinh từ Estonia sau này trở thành Tổng Ủy-Viên của nước chị.

Trại Hội-Thảo Nghiên-Cứu Huấn-Luyện do Trưởng Trần Văn Long, Trần Anh Kiệt và các Trưởng vùng Bắc California tổ-chức năm 1997; Trưởng Mai-Liệu là cố-vấn. Các tham-dự viên gồm nhiều Trưởng từ cấp Huy-Hiệu Rừng trở lên, nhiều Trưởng đã là HLV của Hội HĐVN và của Canada.

Trại Tùng-Nguyên IV do Trưởng Nguyễn Tấn Đệ tổ-chức tại Florida, Hoa-Kỳ năm 2001. Đây là trại Huy-Hiệu Rừng làm theo chương-trình HĐ Hoa-Kỳ.

Tại Việt-Nam kể từ sau năm 1975 có tất cả 16 khóa Huy-Hiệu Rừng. Trưỏng Trần Văn Hợp tổ-chức 7 khóa. Trại Liên-Ngành do Trưởng Trần Văn Lược tổ-chức tại Bình-Thuận năm 2004 có 5 khóa Ấu, Thiếu, Kha, Tráng. Số còn lại do Trưởng Nguyễn Xuân Long (1 khóa Thiếu), Trưởng Lê Gia Mô (1 khóa Kha) và Tr Nguyễn Tiến Lộc (2 khóa tráng).

X       X

X

Về tài-liệu HĐ, Trưởng Sư-Tử Đảm-Đương Tôn Thất Sam tích-cực đóng góp cho những nhu-cầu huấn-luyện và kiến-thức HĐ.

Ngoài nhiều cuốn sách do chính Trưởng biên-soạn, dịch-thuật tủ sách Trường-Sơn của Trưởng còn có những tài-liệu của các Trưởng Mai-Liệu, Tôn Thất Đông, Nguyễn Xuân Long, Nguyễn Xuân Hoàng-Quân, Tôn Thất Hùng,..

Trưởng Cáo Vui Vẻ Nguyễn Xuân Long cũng để lại nhiều tài-liệu đáng kể. Một số cuốn đã phân-phối hết cần được in lại.

Ở hải-ngoại, Trưởng Trần Văn Thao có cuốn Trò Chơi, Trưởng Vĩnh-Đào soạn cuốn Nguyên-Lý Hướng-Đạo và Trưởng Trần Ngọc Sơn viết cuốn Đội Của Chúng Tôi.

 X       X

X

Về lãnh-vực văn-nghệ, chúng ta có rất nhiều nhà văn, nhà báo có kích-thước nhưng những sáng-tác thơ, văn, nhạc viết riêng cho HĐ trong 30 năm qua không nhiềụ

Sau đây là một số sách “Văn-Nghệ HĐ” được xuất-bản:

-         Voi Hát, Hát Cùng Voi

Nhạc Tiến-Lộc. Anh Em Giữ-Vững xuất-bản
-     Hướng-Đạo Một Đời

Thơ Tuấn-Việt. Chi-Nhánh Úc phát-hành.       

-         Soi Lòng

Những bài viết ngắn của Trần Tùng-Nguyên. Hưng-Đạo xuất-bản.

-         Hoa Bách-Hợp

Thơ Tuấn-Việt. HĐVN Toronto, Canada ấn-hành.

-         Theo Dấu BP

Thơ Tuấn-Việt. LĐ Bạch-Đằng, Arizona, Hoa-Kỳ phát-hành.

     -     Đưỡng Chúng Ta Đi
            Tuyển tập thơ HĐ. Nhóm Dấn-Thân thực-hiện.     

X       X

X

Về báo chí trong 30 năm qua, các đặc-san, bản tin, giai-phẩm được ấn-hành một cách đông-đảo khắp nơi. Có lẽ chưa có hội HĐ nào trên thế-giới có nhiều báo đến thế.

Ở Đức có Bước Đường Đầu, Nguồn Thật…

Ở Canada có Sắp-Sẵn, Liên-Lạc,…

Ở Úc có Nguồn Thật, Phù-Sa,…

Ở Hoa-Kỳ có Bạch-Đằng, Vừng Hồng, Khai-Phá, Phù-Đổng, Nhịp Cầu, Bạch-Mã, Dấn Thân, Trưởng, Giúp-Ích,…

Các Liên-Đoàn hầu hết có đặc-san riêng.

HĐVN cũng có nhiều Websites như Website của HĐTƯ, Website Sắp-Sẵn, Website Giữ-Vững,…

Trở lại báo-chí ấn-hành.

Tờ Sắp-Sẵn là sự tích-cực của Trưởng Nguyễn Trọng Phu và các Trưởng vùng Toronto, Canada.

Tờ Vừng-Hồng chuyên-chở được cái tâm-tình đầy thân-ái của Trưởng Bùi Văn Giải, Phạm Quang Lộc và Xóm Trưởng Niên Oregon-Seatle.

Tờ Bạch-Mã (California), Bạn Đường (Việt-Nam) là tờ báo của ngành Tráng có một số tài-liệu giá-trị,

Khai-Phá là tờ báo của ngành Thanh. Tờ này đã để lại những ngậm-ngùi cho anh chị em độc-giả khi báo đình-bản.

Đặc-San Trưởng là tờ báo của HĐTƯ với sự đóng góp lớn của các Trưởng Đỗ Văn Ninh, Nguyễn Công Trứ, Thùy-Lan.

Hai tờ báo được phổ-biến rộng-rãi nhất là Giai-Phẩm Giúp-Ích và tạp-chí Liên-Lạc. Tờ Liên-Lạc lúc đầu được thực-hiện bởi các Trưởng lão thành Trần Văn Thao, Phan Như Ngân và Lê Văn Ba. Sau đó tờ báo được tiếp-tục qua sự điều-hành của Trưởng Nguyễn Trung Thoại. Tờ Liên-Lạc là tiếng nói của Hướng-Đạo Trưỏng Niên, là nơi trao-đổi tâm-tình HĐ của những người đi trước.

Giai-Phẩm Giúp-Ích do các Trưởng Nguyễn Xuân Hoàng-Quân,Trần Ngọc Sơn và Triệu Lệ Nga điều-hành. Hình-thức đẹp. Nội-dung phong-phú. Nhiều số báo dầy từ 100-130 trang. Tờ báo nối-kết được các Trưởng trong và ngoài nước; được sự ủng-hộ mạnh của các độc-giả ngoài HĐ. Giai-phẩm Giúp-Ích được sự góp mặt của nhiều văn nghệ sĩ là nhờ bài vở HĐ hay, những bài khảo-cứu đặc-biệt và thơ văn giá-trị cộng thêm sự phân-phối tại nhiêu nơi như USA, Canada, Autralia, Germany, France, Japan, England, Sweden, Philippines và Việt-Nam.                                 

 X       X

 X

 Ba mươi năm qua dù không có điều-kiện như một Hội Viên của Phong-Trào Hướng-Đạo Thế-Giới nhưng chúng ta đã làm được những thành-quả chưa ai làm được.

Bước chân của chúng ta tới quốc-gia nào, nơi đó có HĐVN.

Chúng ta được các hội HĐ địa-phương niềm-nở đón nhận hội-nhập với họ vì HĐVN biết góp phần làm tổ-chức của họ phong-phú và đa-diện hơn.

Hơn thế nữa, những người HĐVN còn mang truyền-thống Việt đến để làm đẹp thêm nền Văn-Hóa của các quốc-gia đã cưu-mang chúng ta.

Chúng ta hãy hãnh-diện vì đã và đang cống-hiến những trang sử độc-đáo cho Phong-Trào.

Viết trong ngày mùa đông 2005
tại Đào Trúc Gia Trang

Cò Lãng-Du
langhue.org