langhuehd 125x50

Dựng Lại Mái Nhà

 

Trong các hoạt-động thanh thiếu niên, lửa trại là một sinh-hoạt làm Hướng-Đạo Việt-Nam được biết tới nhiều hơn các đoàn thể khác. Lửa trại thu-hút mọi người vì có nhẩy múa, tiếng reo, hát, kịch và cả trò chơi. Tuy thế, còn một loại lửa khác mà người ngoài phong-trào ít biết tới nhưng rất phổ-thông trong ngành tráng Hướng-Đạo Việt-Nam.

Khi một nhóm tráng-sinh đi phục-vụ hoặc thám-du, đêm về họ thường đốt lên một đống lửa nhỏ ngôi với nhau tâm-tình. Nhừng câu chuyện họ kể có tính-cách chia sẻ, suy-ngẫm và hướng-thượng. Có câu chuyện dù lửa bên đường đã tắt từ lâu nhưng vẫn còn chiếu sáng trong lòng người đi .

Ngày hôm nay nhiều người trong chúng ta không còn ở trong tráng đoàn, thậm chí không còn trực-tiếp trong phong-trào nhưng chúng ta vẫn là Hướng-Đạo. Hướng-Đạo một ngày, Hướng-Đạo một đời.

Bây giờ xin mời các độc-giả, anh chị em tạm dừng chân bên lửa để cùng nhau tâm-tình về phong-trào chúng ta quý mến

Lửa yêu-thương

Đường vạn dặm khi dừng chân nhóm lửa
Tình anh em rực sáng củi than hồng
Lũ tráng-sĩ chiều nay không còn ngựa
Vẫn coi đời xiêm áo nhẹ như không

(Lửa bên đường – Nguyễn Hoàng Lãng-Du)

Ngành tráng Hướng-Đạo thế-giới được Baden Powell nghĩ tới vì khoảng giữa thập niên 1910 rất ít thiếu-sinh sau tuổi 15 ở lại phong-trào . Ông tưởng rằng đã giải-quyết được vấn-đề khi thành-lập Tự-Vệ Đoàn Hướng-Đạo cho các đoàn sinh trên 16 tuổi nhưng đến cuối năm 1916, tổ-chức này không còn nữa.

Năm 1918, ngành tráng được chính-thức ra đời sau nhiều thử-thách.

Năm 1922, tại Anh các tráng sinh góp phần vào việc cống-hiến máu với hội Hồng-Thập-Tự; tại Nam Phi các tráng sinh cống-hiến da và giúp-đỡ trong việc săn-sóc bệnh nhân .

Vào thời-kỳ khủng-hoảng kinh-tế (khởi-đầu năm 1932), tráng sinh Anh giúp-đỡ người thất-nghiệp kiếm việc làm. Theo kỷ-yếu của hội Hướng-Đạo Anh, họ đã giúp được 532 người.

 Năm 1966, bản tường-trình của Nhóm Tiến-Bộ do Tổng Ủy-Viên Sir Charles Maclean ủy-nhiệm được công-bố: ngành tráng bị loại trừ.

 Tại Việt-Nam tráng đoàn Lam-Sơn khởi đầu năm 1934 với 5 tráng sinh do trưởng Hoàng Đạo Thúy thành-lập. Sau đó tráng đoàn quy-tụ được các sinh-viên. Những người nổi tiếng có thể kể là bác-sĩ Phạm Biểu Tâm, ông Nguyễn Hữu Thứ (hiệu-trưởng Quốc-Học, thẩm-phán), trưởng Lê Mộng Ngọ (trại trưởng HĐVN, nhà giáo), nhạc sĩ Lê Hữu Phước (tác-giả nhạc của quốc ca VNCH, bài ca chính-thức HĐVN)…

Tại Hải-Phòng, các tráng sinh của trưởng Trần Văn Thao cũng có nhiều người lừng danh như nhạc-sĩ Hoàng-Quý, Văn Cao (tác giả bài quốc-ca VNDCCH), Hoàng-Phú (Tô-Vũ) …

 Lúc đó, chính-quyền thực-dân Pháp khó-khăn với các sinh-hoạt thanh-niên nhưng tương-đối dễ-dãi với Hướng-Đạo. Các nhạc-sĩ Hướng-Đạo đã viết lên các bản hùng-ca đánh thức người say ngủ . Đó là tiếng réo gọi những người yêu nước lên đường.

 Sau năm 1975, ngành tráng Việt-Nam đã đạt được những thành-tích tốt đẹp trong việc giúp-ích dưới sự hướng-dẫn của trưởng Tiến-Lộc, cựu Ủy-Viên ngành. Một đơn-vị Hướng-Đạo Tật Nguyền ra đời. Những chương-trình phát quà, phát thuốc, đưa các em đi giải-trí được các trưởng, người thiện-chí, bác-sĩ, kỹ-sư, giáo-sư, sinh-viên, … tận-tình cộng-tác. Sự hỗ-trợ còn lan ra đến ngoại-quốc.

 Tuy phong-trào trong nước chưa được nhà nước thừa-nhận và sự hoạt-động bị nhiều hạn-chế nhưng nhờ sự khôn-khéo, từ năm 1991 Hướng-Đạo và những người nhiệt-tâm đã tổ-chức được 19 trại Hoa Nhân Ái cho các con em người hủi (cùi); tạo dịp giao-lưu cho các em và các thiếu nhi địa phương để các em học-tập và vui chơi .

 Hai mươi năm đã qua. Mười chin trại hè được tổ-chưc. Mười ngàn (10000) lượt trại sinh tham-dự. Trên hai ngàn (2000) lượt huynh-trưởng và tình-nguyện viên. Các địa-danh họp mặt gồm Phước-Tân, Thanh-Bình, Bình-Minh, Bến Sắn, Vũng-Tầu, Long-Hải, Hồ Cốc, Lộc-An, Bình-Châu, Hòa-An, Đồng-Lạc, Bưng-Riềng, Quy-Hòa, Hòn Thị, Non Nước, La-Vang, Huế, Đàlạt, Pleiku,…

Thông-thường người ta ước-mong kẻ đói được cho ăn, kẻ khát được cho uống, kẻ rách-rưới được cho mặc. Hướng-Đạo Việt-Nam không chỉ cố-gắng làm có thế. Chúng ta còn tới để băng-bó nhừng vết thương trong tâm-hồn, để tuổi trẻ tự-tin và nhất là được ước-mơ.

Miền đất mới

Ôi đất rừng như tình yêu về mẹ.
Thơm-tho như giọt sữa ngọt đòng đòng.
Những bàn tay tràn nước lũ giòng sông.
Con đi lạc trong bài ca khai-phá

(Khai-phá – Nguyễn Hoàng Lãng-Du)

 Tôi là phụ-tá huấn-luyện của trưởng Nguyễn Xuân Long từ khi ông còn là DCC trưởng (Deputy Camp Chief) của miền 3 kiêm miền 4 nhờ vậy tuy là người trẻ tuổi nhất trong toán Huấn-Luyện Quốc-Gia nhưng tôi đã đi huấn-luyện khá nhiều trại Dự-Bị và Bạch-Mã.

Một lần, ông yêu-cầu tôi làm khóa trưởng một khóa Cơ-Bản đặc-biệt để giới-thiệu phong-trào cho những người mới.

Với chủ-trương hạn-chế lý-thuyết, chú-trọng thực-hành nên tôi mời các trưởng nổi tiếng về sinh-hoạt góp mặt. Trại sinh như bị mê-hoặc bởi các điệu-vũ nhịp-nhàng, bài hát trong sáng, trò chơi giáo-dục và tác-phong của các huấn-luyện viên.

Khi chia tay, họ không muốn rời trại mà vây quanh ban huấn-luyện trò chuyện, mong được tham-dự trại kế tiếp và hy-vọng được làm phụ-tá đơn-vị nếu thành-lập. Hết giờ chia tay, nhiều người khóc ròng bước ra khỏi đất trại. Nhìn những gì xẩy ra vị trướng miền huấn-luyện chỉ im-lặng. Ông đến để thăm các huấn-luyện viên chứ không làm gì khác.

Vài tuầu sau ông gặp tôi và cho biết trưởng ADCC Vũ Đức Thông sẽ chịu trách-nhiệm các trại Dự-Bị, tôi các trại Bạch-Mã và ông các trại Cơ-Bản.

Tôi biết có chuyện không ổn nhưng khi được hỏi ông chỉ nói rằng có lẽ tôi thích-hợp cho các trại cao cấp hơn. Tôi phải hỏi lại lần nữa, ông mới trả lời rằng bản-tính của tôi quá chú-trọng đến phẩm-chất trong khi các đoàn thể gửi người tới để tìm-hiểu, học hỏi cái hay của phong-trào; một số trại sinh có thể về mở bầy hay đoàn nhưng phần đông sẽ phải trở lại giúp chính đoàn thể của họ. Làm một trại Cơ-Bản thành-công quá khi về nhiều người sẽ bỏ nhiệm-vụ đang làm hoặc chỉ mơ-ước tới Hướng-Đạo.

Ông nói rất đúng. Nhờ đường-hướng của ông, các cộng-đồng và các đoàn thể khác đã giúp-đỡ nhiều trong việc tổ-chức như đất trại, quản-lý,…của các trại huấn-luyện sau này.

Vào cuối thập niên 1960, trưởng Nguyễn Xuân Long thành-lập nhóm Bách-Hợp để phục-vụ cho các đoàn thể, tu-viện và những nơi cần sự giúp-đờ . Nhóm Bách-Hợp lúc đầu gồm các trưởng Vũ Đức Thông, Đoàn Thái Đức, Vũ Văn Quỳ cùng các trưởng địa-phương.

Thời-điểm đó, cuộc chiến càng ngày càng sôi-động. Các trưởng trẻ phải nhập-ngũ nên phong-trào thiếu những thành-viên hoạt-động. Các trưởng lão-thành than-phiền Trưởng Nguyễn Xuân Long không dồn hết nỗ-lực cho phong-trào mặc dù ông và các phụ-tá đã mở nhiều trại huấn-luyên. Ít người hiểu được phương-cách và ý-định của ông.

Trong một cuộc hội-nghị của Hướng-Đạo Thế-Giới, vấn-đề phục-vụ các đoàn thể được đăt ra. Người ta hỏi quốc-gia nào đã thực-hiện được điều này?

Đại-diện Việt-Nam giơ tay:

-          Có chúng tôi

Khi trưởng Vũ Thanh Thông tham-dự trại ITCC trở về, ông là Huấn-Luyện trưởng miền 3.

Có người hỏi trưởng Nguyễn Xuân Long tại sao không giữ miền 3 là nơi đông HĐ sinh, đang phát-triển nhất nước và có sẵn nhiều điều-kiện?

Ông mỉm cười:

-          Có lẽ miền 4, cần tôi hơn

Cho tới nay khi ôn lại các kỷ-niệm, ít khi tôi nhớ tới trưởng Nguyễn Xuân Long qua các thành-tích như là người tích-cực trong việc giúp thành-lập Nữ Hướng-Đạo miền Bắc hay châu trưởng châu Trường-Sơn khoảng cuối thâp niên 1950 hoặc Đạo Trưởng Bến Nghé, Trùng Dương nhưng hình ảnh một ông già với hành-trang đơn-giản đồng-hành với một vài người phụ-tá nơi cuối chân trời rộng lớn chưa bao giờ phai-nhạt trong tâm-hồn tôi.

Những hạt phù-sa

Ta là gió muôn phương đang tụ-hội;
 Cuốn theo đi thù hận giữa con ngườị
Ta là nắng ban mai ai ngóng đợi,
 Đường gập-ghềnh, tăm-tối sẽ an-vui …”

  (Lời nguyện Dấn-Thân – Nguyễn Hoàng Lãng-Du)

Phong-trào Hướng-Đạo có đường lối, có nguyên-lý, có phương-pháp, có tổ-chức vững-mạnh nên các đoàn thể thường muốn rút-tỉa những cái hay của Hướng-Đạo vào các sinh-hoạt của họ.

Sau đây là một câu chuyện trong nhiều câu chuyện được nhớ lại.

Năm 1966, có hai tu-sĩ trẻ của Đại Chủng-Viện thánh Giuse Sàigòn - thầy Vũ Văn Quỳ và thầy Vũ Đức Thông- nhận thấy rằng tổ-chức Thiếu Nhi Thánh-Thể cần được thay đổi. Số các em thiếu nhi nơi các xứ đạo rất đông-đảo. Có xứ 200, 300 em, có xứ 600, 700 em, có xứ lên đến 2000 em. Làm sao tổ-chức có thể sinh-hoạt sốt-sắng hơn, quy-củ hơn, hấp-dần hơn?

 Năm 1968 phong-trào Thiếu Nhi Thánh-Thể tại miền Trung gần như không còn, miền Nam thì yếu-ớt.

 Thầy Vũ Văn Quỳ cho rằng trước khi đề-nghị những thay đổi thì ông phải sửa-soạn kỹ-lưỡng và học-hỏi nơi phong-trào Hướng-Đạo. Ông còn nghĩ rằng để thu-lượm được những kinh-nghiệm tốt thì không thể đứng ngoài quan-sát mà phải thực-sự làm trưởng.

 Trưởng Nguyễn Xuân Long hỗ-trợ bắng cách mở một khóa Cơ-Bản, một khóa Dự-Bị cho các tu-sĩ

 Trưởng Vũ Văn Quỳ lập một thiếu đoàn tại trường Quang-Minh, thuộc đạo Thủ-Đô.

 Khi các thầy Quỳ và Thông trở nên linh-mục thì được thêm sự đóng góp của LM Đoàn Thái Đức và LM Uông Đình Đạm.

 Hai linh-mục Vũ Văn Quỳ và Vũ Đức Thông trình-bầy các đề-nghị với linh-mục Nguyễn Văn Thảnh, tổng tuyên-úy Thiếu-Nhi Thánh-Thể thì được ngài hưởng-ứng nồng-nhiệt.

 Năm 1969 một đại-hội Thiếu-Nhi Thánh-Thể toàn-quốc được triệu-tập tại Vĩnh-Long để bàn về sự cải-cách.

 Năm 1971 nội-quy mới được thành hình. Trại huấn-luyện huynh-trưởng đầu tiên được tổ-chức tại Cái Răng.

 Trang lịch-sử mới của Phong-Trào Thiếu Nhi Thánh-Thể mở ra từ đâỵ

 Phong-trào HĐVN tuy ít đoàn sinh nhưng có thể tự-hào về những đóng góp cho sự chuyển mình của các đoàn thể đông-đảo. Việc đóng góp của HĐVN không ồ-ạt, không phô-trương. Công-trình của chúng ta có thể ví những hạt phù-sa nhỏ bé theo thời-gian đã làm rộng lớn Quê-Hương.

Trại huấn-luyện

“không huấn-luyện viên”

“Chúng ta hãy coi đời như một cuộc phiêu-lưu kỳ-thú,
nhìn các trở-ngại là những cơ-hội, tìm thấy hạnh-phúc trong lúc dấn-thân,
mang yêu-thương đến nơi hận-thù, giữ lòng trong-sạch giữa chốn bợn-nhơ,
hết lòng nhiệt-thành dù người thờ-ơ và biết mỉm cười mỗi khi thất bại”

 (Tâm-niệm của Nhóm Dấn-Thân)

 Huấn-luyện là một trong những vấn-đề cần được nghiên-cứu và giải-quyết để Phong-Trào vững-mạnh hơn.

 Từ năm 1938 tại Việt-Nam, các khóa học Huy-Hiệu Rừng và phương-pháp huấn-luyện đều dựa trên thủ-bản Gilwell.

 Đến năm 1969, từ trại Huấn-Luyện Trưởng Huấn-Luyện (NTC) trở xuống được trao lại cho các quốc-gia hội-viên của Phong-Trào Hướng-Đạo thế-giới.

 Tại Việt-Nam, hầu hết các khóa Huy-Hiệu Rừng vẫ còn dựa trên đường lối cũ ngoại trừ trường-hợp như khóa Huy-Hiệu Rừng Tráng Tùng-Nguyên 6 năm 1970 tại vùng Saigon do Trưởng Mai-Liệu làm khóa-trưởng. Khóa này có chương-trình cấp-tiến. Từ các khóa học đến phương-pháp điều-hành đều thay đổi. Thành-phần huấn-luyện viên gồm những người uy-tín không phải chỉ trong Phong-Trào HĐ mà còn là cấp quốc-gia. Thành-phần tham-dự có trình-độ cao. Nhiều trại sinh là người trong Toán Huấn-Luyện Quốc-Gia hay là những người đã từng thực-hiện những công-cuộc lớn. Các trại sinh sau này đóng vai-trò trọng-yếu trong Ban Tổ-Chức của trại Họp Bạn Suối Tiên; từ phác-họa, điều-hành chương-trình đến việc thực-hiện.

 Sau năm 1975, hội HĐVN không được phép hoạt-động. Nhiều nhóm vẫn tiếp-tục nhưng đường-hướng và tinh-thần huấn-luyện không được thống-nhất.

 Khoảng năm 2000, Toán Nghiên-Cứu Huấn-Luyện Dấn-Thân (NCHLDT) được thành-hình. Khởi-đầu chỉ có vài người, sau đó có sự đóng góp thêm của các trưởng trong và ngoài nước.

 Từ năm 2002, Toán NCHLDT có dịp được nghe những ước-vọng của các trưởng tại VN nhiều lần và cũng có dịp quan-sát sinh-hoạt của một số đoàn.

 Những tha-thiết của họ làm anh chị em Nghiên-Cứu Huấn-Luyện Dấn-Thân suy-nghĩ.

“ Họ muốn được biết thêm về những thay-đổi của Phong-Trào, không hẳn chỉ của Phong-Trào HĐ Thế-giới mà còn là của HĐ Độc-Lập. Họ muốn nhìn thấy đường-hướng mới. Họ muốn hiểu thêm về thuật lãnh-đạo của thế-kỷ. Họ muốn được thực-tập chứ không nghe lý-thuyết. Họ muốn các khóa huấn-luyện thích-ứng với hoàn-cảnh của họ chứ không phải của người khác, nước khác. Họ muốn huấn-luyện viên chia sẻ kinh-nghiệm chứ không chỉ cầm giấy đọc. Họ muốn có được không khí về nguồn, thân-ái và cởi-mở. Họ muốn trại có thảo-luận nhưng vẫn là trại huấn-luyện. Họ muốn giảm-thiểu lối trình-bầy của các khóa tu-nghiệp nhưng không loại trừ. Họ muốn trại sinh-hoạt như một đơn-vị mẫu. Họ muốn nhìn thấy sự áp-dụng triệt-để các phương-pháp HĐ ngay trong trại. Họ muốn các khóa học bắt đầu và kết-thúc đúng giờ. Họ muốn ban huấn-luyện nghiêm-chỉnh áp-dụng chương-trình một khi đã đưa ra …”

 Cứ thế… và cứ thế…những ước-vọng tưởng như không bao giờ chấm-dứt.

 Việc tổ-chức một trại HĐ ở nhà rất tế-nhị: làm thế nào đáp-ứng được nhu-cầu của người tham-dự mà không gây trở-trại cho việc huấn-luyện của nhóm này hay nhóm khác, hơn thế nữa còn cần làm lợi cho các nhóm vì họ sẽ có những trại sinh tương-lai tăng thêm kiến-thức? Giải-pháp hiện nay của Toán Nghiên-cứu Huấn-Luyện Dấn-Thân là không mở các trại Cơ-Bản, Bạch-Mã, Huy-Hiệu Rừng hay Khóa HL 3-Gỗ (NTC) mà mở nhừng trại Cây Lúa, Cây Cau, Cây Tre,…

 Trước đây ,toán Huấn-Luyện Dấn-Thân đã tổ-chức một số trại cho HĐ và cộng-đồng ngoài.

 Năm 2010, toán quyết-định làm một trại ngành Tráng với sự thay đổi toàn-diện so-sánh với các trại thường tổ-chức. Trại mang tên Hội-Học Ngành Tráng Thế-Kỷ 21. Trại giới-thiệu đường-hướng của ngành tráng, các kỹ-năng cần có của tráng sinh và những vấn-đề khi sinh-hoạt tráng đoàn.

Trại Huấn-Luyện Ngành Tráng Thế-Kỷ 21 không có Huấn-Luyện Viên.

Hơn nữa, bất cứ tham-dự viên nào cũng phải đóng các vai trò chủ-tọa, thuyết-trình viên, người giữ giờ ít nhất một lần.

Tới giờ phút này, năm 2011, có lẽ chưa có một hội HĐ nào trên thế-giới đã thực-hiện một trại như vậy.

Để có kết-quả tốt, các tham-dự viên có 8 tháng làm phần tiền trại.

Sau đây là vài con số thống-kê tham-dự viên.

-          Số lần tham-dự trại huấn-luyện 4-gỗ: 3

-          Số lần tham-dự trại huấn-luyện 3-gỗ: 11

-          Số lần tham-dự Huy-Hiệu Rừng: 30

-          Số tham-dự viên trên 70 tuổi: 3

-          Số tham-dự viên 25-30 tuổi: 10

-          Các tôn-giáo: Phật giáo, Thiên –Chúa giáo, Cao-Đài, Hòa-Hảo

-          Tổng số tuổi của tham-dự viên: 1535

Các tham-dự viên nòng-cốt được liên-lạc để sửa-soạn từ 12 tháng trước với sứ-mạng như sau:

Tới với người. Học với họ. Sống với họ. Bắt đầu bằng những điều họ biết. Xây-dựng trên những điều họ có. Những người lãnh-đạo giỏi nhất là những người khi công-việc đã xong, khi phần việc hoàn-tất, mọi người đều nói rằng chính chúng tôi đã thực-hiện”

 Dư-âm sau trại vọng lại. Có nhiều người nói rằng trại Huấn-Luyện Ngành Tráng Thế-Kỷ 21 mang lại luồng tư-tưởng mới nhất cho Phong-Trào. Điều này không đúng. Những khái-niệm lãnh đạo như vừa kể là của Lão-Tử từ trên 2000 năm trước.

 Viết tại Đào Trúc Gia-Trang

Mùa thu 2011          

Cò Lãng-Du             

langhue.org