langhuehd 125x50

TỔ CHỨC VÀ SINH HOẠT TRÁNG ĐOÀN

A. MỤC ĐÍCH NGÀNH TRÁNG:

1) Đào tạo người xứng đáng cần cho xứ sở. Nơi đào tạo nhân cách tốt nhất là đời sống rừng. Việc rèn luyện Tráng sinh sống ở rừng nhằm bốn mục đích chính:

- Chí khí và trí tuệ.

- Khỏe và mạnh.

- Khéo tay và khéo léo.

-Tập giúp ích kẻ khác và làm bổn phận công dân.

2) Đào tạo Tráng sinh thành công dân tốt bằng phương pháp phát triển năng lực cá nhân có cá tính tốt.

3) Bipi nói: “Tráng đoàn là một cộng đồng Huynh đệ, sống ngoài trời và giúp ích”.

a. Huynh đệ:

- Đoàn kết, khắng khít với nhau, thương yêu nhau như ruột thịt.

- Tráng sinh trong 1 toán không đều như nhau. Cần cố gắng hòa hợp.

b. Sống ngoài trời: có nhiều thú vị, ít ai cảm thụ như HĐ.

- Không khí trong lành, hương thơm đồng nội, khói lam chiều..

- Ánh bình minh; sáng trời hoàng hôn; ánh trăng vằng vặc…

- Bipi khuyên hãy đọc: “ cuộc sách thiên nhiên”.

c. Giúp ích: Đời HĐ dạy thói quen giúp ích.

- Sói con: mỗi ngày làm vui lòng 1 người, thiếu sinh: mỗi ngày làm 1 việc thiện mới mở nút ở khăn quàng, tráng sinh: công việc giúp ích thực tế.

 

B. PHƯƠNG PHÁP NGÀNH TRÁNG:

I. Phải đạt 5 mục tiêu của HĐ:

1) Khỏe mạnh:

- Tránh rượu, thuốc lá, ma túy, địa điểm.

- Không: thủ dâm, đồng tính luyến ái.

- Cần có hội học: “giáo dục tình dục”.

2) Tháo vát:

- Tráng sinh phải được đào tạo và hướng dẫn để chọn nghề hợp khả năng và hoàn cảnh gia đình.

- Hội học tráng đoàn nêu có: “kinh tế học và xã hội học cơ bản”.

3) Tánh khí:

- Tánh khí là điều cần thiết để bảo vệ đươc nguyên lý chủ yếu, về chính trị, đạo lý, tôn giáo, mà tráng sinh xem như thiêng liêng.

- Khó khăn cho tráng sinh hay bất cứ ai biết nói: “không”. Trong trường hợp mâu thuẫn giữa triết lý nhân sinh của mình với sự đòi hỏi cá nhân hay sự cám dỗ quỷ quyệt của xã hội.

4) Giúp ích:

- Tráng đoàn cần có những công tác giúp ích thực sự cho xã hội.

- Tráng sinh với tư cách cá nhân hay tráng đoàn với tư cách tập thể hợp tác nhất thời hay thường kỳ với các cơ quan tư nhân hay của nhà nước các cơ quan từ thiện.

- Tráng sinh còn có một việc giúp ích thiết thực là học làm nghề Trưởng HĐ để đào tạo thế hệ trẻ VN.

5) Hướng thượng:

- Tráng sinh không nên quên nâng cao tâm hồn mình lên: tìm hiểu thêm nữa những gì có thể cũng cố đức tin để thăng tiến.

II. Thực hiện triệt để các phương pháp HĐ:

1. Luật và lời hứa HĐ: phải nhắc nhở và giúp đở tráng sinh tuân theo “lời hứa” và sống theo “luật HĐ”.

2. Phương pháp hàng đội: khác với nhiều đoàn, không có toán kiểu mẫu và khởi đầu lập tráng đoàn do các em tụ lại thành toán, cứ 1 bạn làm toán Trưởng và mời 1 trưởng làm cố vấn ( xem phần tổ chức tráng đoàn).

III. BẢO HUYNH- BẢO TỶ:

1. Bảo huynh- Bảo tỷ là ai?

- Trong chương trình huấn luyện tráng sinh, không có chương trình đẳng thứ mà thay vào đó tráng sinh phải làm qui ước tu thân ( xem bên dưới) với 2 ngưới đó là bảo huynh ( nếu là người nam), bảo Tỷ (nếu là người nữ).

- Bảo huynh là một tráng sinh đã lên đường (giai đoạn giúp ích) đảm nhận việc dìu dắt một Dự Tráng (nếu là người ngoài PT vào) hay tân tráng (nếu là kha sinh lên) ngay từ khi thu nhập vào Tráng đoàn cho đến ngày lên đường.

- Bảo huynh phải hơn bào đệ của mình ít nhất là 1 tuổi; có nghề nghiệp vững vàng.

- Bảo huynh là người tự nguyện, cống hiến thì giờ cho việc huấn luyện dự tráng và tân tráng.

- Nếu một tráng đoàn chưa có tráng sinh lên đường thì đừng thu nhập dự tráng (trừ lúc mới thành lập tráng đoàn).

2. Số bảo huynh- bảo tỷ: phải hai bảo huynh.

- Một bảo huynh do tráng trưởng chỉ định (chọn phù hợp dự tráng) nhưng nên hỏi qua ý kiến dự tráng.

- Một bảo huynh do chính dự tráng chon, nếu là bạn thân hoặc cùng lối xóm thì tốt nhất. Tuy nhiên, cũng nên xin ý kiến của Tráng Trưởng.

- Như vậy đã hình thành một tổ 3 để cùng huấn luyện suốt đời sống tráng sinh. Tráng Trưởng không trực tiếp vào hoạt động của tổ 3 này, nhưng có thể cố vấn, hướng dẫn đễ tổ 3 hoạt động tốt.

3. Nhiệm vụ bảo huynh:

- Bảo huynh không phải là một chức vụ dùng cho nghi lễ tấn phong tráng sinh hay lễ lên đường xong thôi. Mà là một người đôn đốc hướng dẫn cho dự tráng hay tân tráng tự tu luyện lấy họ

- Bảo huynh phải có óc tinh tế về mục đích tối hậu của Tráng đoàn và có kinh nghiệm dẫn dắt Tráng sinh.

- Ngay từ buổi đầu bảo huynh phải biết cách làm cho dự tráng và tân tráng cảm thấy thoải mái để thắt chặt mối thân hữu giữa bảo huynh và dự tráng.

- Không đích thân huấn luyện tân tráng mà tân tráng tự huấn luyện lấy mình; khi cần thì hỏi bảo huynh. Tuy nhiên những thời gian đầu bảo huynh phải khơi mào, gợi ý, hướng dẫn để dự tráng có thể tự chèo lấy thuyền của minh. Đặc biệt khi thanh niên ở ngoài vào với thời gian dự tráng, thì bảo huynh phải hướng dẫn chi tiết, kỹ càng vì họ còn bở ngỡ về phong trào, bở ngỡ về cách tự rèn luyện và không biết bắt đầu từ đâu?

- Suốt quá trình tu luyện bảo huynh nên quan sát, nhận xét xem dự tráng và tân tráng có thích hợp hay không thích hợp với tráng đoàn. Nếu không thích hợp thì khuyên họ không nên tham gia trò chơi này. Có trường hợp dự Tráng hay tân Tráng không phù hợp với lối làm việc của toán lãnh đạo tráng đoàn, thì có thể giới thiệu họ qua tráng đoàn khác.

- Người bảo huynh đừng quên mình là người bảo lãnh trước hội đồng tráng đoàn khi cử hành các nghi lễ. và trách nhiệm rất lớn lao với tráng sinh này.

- Việc không thể quên của bảo huynh là báo cáo thường kỳ với tráng trưởng về sự huấn luyện của dự tráng sinh. Và nghe lời khuyên cũng như chỉ bảo của tráng trưởng về kinh nghiệm bảo huynh.

IV. Qui ước tu thân:

1. Qui ước hay giao ước tu thân là gì?

a) Qui là qui định: ước là cam kết, một điều hứa.. Qui ước tu thân là một cam kết tu luyện cá nhân với bảo huynh.

b) Quy ước tu thân là một phương pháp giáo dục ngành tráng, nó chính là chương trình đẳng thứ của ngành tráng, nhưng chương trình này do chính tráng sinh vạch ra để xác nhận trên giấy tờ ý chí cương quyết của mình trong thời gian nhất định 3 tháng, 6 tháng, 1 năm với nội dung:

- Xây dựng nhân cách.

- Giảm thói hư tật xấu.

- Thăng tiến: đức, trí, thể, mỹ.

c) Qui ước tu thân là một điều kiện để hội đồng tráng đoàn xét mời lên đường.

2. Qui trình làm qui ước tu thân:

a) Bước 1: phân tích về bản thân.

Hãy ngồi một mình trước 1 cây nến nhỏ hay trước cảnh trời bao la vắng lặng, suy nghĩ về mình, phân tích tỉ mỉ những điều bản thân đã tốt, điều chưa tốt; điều cần thăng tiến, nhưng ta phải nhớ làm điều này không dễ, phải kiên trì chịu khó; phải nghiêm túc và chia nhỏ sự việc để phân tích. Có thể có những điều lọc lựa được, nhưng có những điều khó mà biết được nghĩ gì viết ra giấy và phải nhiều buổi. Để các Tráng sinh có thể làm đựoc việc này. Tôi gợi ý suy nghĩ các vấn đề như sau:

- Về trí dục: Bạn có lý luận tốt không? Bạn có tưởng tượng tốt không? Bạn có trí nhớ tốt hay mau quên? Về văn hóa học đến đâu? Kiến thức nào cần bổ sung? Kiến thức nào cần thăng tiến cho tương lai?

- Về đức dục: Đây là một tu luyện khó nhất nói về phạm trù nhân bản, tôn giáo. Đừng lầm cái đức với thất đức. Ví dụ: việc phá thai chẳng hạn. theo bạn là đức hay thất đức?

Bạn hãy phân tích về mình: có ích kỷ, vị tha, yêu người; có ý thức giúp ích mọi người nhất là công việc trong nhà và một số công việc xã hội mà bản thân có thể tham gia.

Còn tôn giáo bạn đã giữ trọn tôn chỉ, luật mà đạo giáo đề ra? Có thực hành những điều mà đấng bạn thờ đã dạy không?

- Về thể mỹ: sức khỏe bạn ra sao? (Đừng lộn sức khỏe với sức mạnh) có bệnh tật gì không? Trong ngày thường vui hay buồn lúc nào? Có tập thể dục thường xuyên? Chế độ ăn uống ngủ nghỉ ra sao?

- Về công ăn việc làm:

* Nếu chưa đi làm: Bạn sẽ chon nghề gì? Cần chuẩn bị gì cho nghề đó?

* Nếu đã đi làm: việc làm này có phù hợp với khả năng và sở thích của bạn không? Nếu tiếp tục làm thì phải bổ túc gì? Nếu không thì tính toán ra sao?

b) Bước 2: Sau một thời gian suy nghĩ. Bạn hãy liệt kê những điều mà bản thân cần sửa đổi. có điều cần tu luyện một thời gian dài, có điều chỉ 2, 3 tháng. Và liệt kê ra những điều cần thăng tiến để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai…

Cuối cùng bạn làm bản qui ước tu thân với nội dung:

* Những tồn tại cần sửa: biện pháp để sửa; thời gian rèn luyện.

* Những tháng tiến cần đạt: biện pháp và thời gian thực hiện.

c) Bước 3: đem bản qui ước tu thân này trình với bảo huynh và vị tuyên úy hay thầy giáo Hanh. Để cam kết với các vị này về nội dung tự rèn luyện; cũng xin các vị này góp ý về nội dung biện pháp thực hiện. Cuối cùng nộp cho toán trưởng, tráng trưởng mỗi người 1 bản để các vị này theo dõi, giúp đỡ việc thăng tiến của mình.

d) Bước 4: sau 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Có những điều đã qui ước dứt điểm thời gian nào, thì tới lại bảo huynh; vị phụ trách tôn giáo để trình bày đã dứt điểm việc qui ước chưa? Nếu chưa trình bày nguyên nhân và xin tiếp tục rèn luyện với ý kiến góp ý của bảo huynh những tiến bộ này của bạn. Sẽ được bảo huynh trình lên hội đồng tráng đoàn thường kỳ.

3. Ví dụ một qui ước tu thân của tráng sinh Nguyễn văn An:

Tôi Dự tráng Nguyễn văn An, xin làm một qui ước tu thân gửi tới Bảo huynh, LM tuyên úy và anh tráng trưởng như sau:

a) Điều chưa tốt:

- Còn hút thuốc: xin cố gắng bỏ trong 6 tháng.

Biện pháp: tuần đầu 1 ngày nhịn; tuần tiếp theo 2 ngày… để thay thế khi thèm thuốc thì ngậm kẹo.

- Không cầu nguyện tối sáng: hứa thực hiện đều đặn.

Biện pháp: tháng đầu cầu nguyện đơn giản và tự phát. Các tháng sau đọc kinh phụng vụ hoặc tham gia giờ kinh với gia đình.

- Không chú ý giúp đỡ việc nhà: một tuần bỏ ra 2 giờ tổng vệ sinh, sắp xếp lại phòng khách, phòng ăn và phòng cá nhân.

b) Điều thăng tiến:

- Qua được chương tình tân sinh trong 1 tháng; hạng nhì trong 3 tháng.

Biện pháp: tự học, xin toán trưởng và các tráng sinh đi trứoc giúp đở; chú ý học lúc sinh hoạt toán và họp đoàn…

- Kém Anh Văn: trong 6 tháng lấy đựoc bằng A

Biện pháp:

+ Đăng ký đi học trung tâm, tối 3 tối/ 1 tuần.

+ Giờ anh văn trên lớp cố gắng tối đa. Về nhà học và rèn luyện kỹ càng.

+ Khi trên tivi có bản tin tiếng Anh . Cố gắng ngồi nghe để nhận ra những từ đã học.

+ Mua truyện song ngữ đơn giản về tập đọc, tập dịch.

+ Khi ra đường mạnh dạn giao tiếp với người ngoại quốc.

c) Tham gia công việc chung: xung phong giữ xe cho nhà thờ.

Biện pháp: đi lễ nhất và giữ xe lễ 2 mỗi chủ nhật.

4. Chú ý:

- Tráng Trưởng hay hội đồng tráng đoàn. Khi thấy tráng sinh này đã làm qui ước tu thân nhiều lần trong vòng 18 tháng thì có thể xét để mời lên đường.

- Qui ước tu thân không thể chỉ cho tráng sinh, nhưng Trưởng cũng vẫn tiếp tục làm. Có thể trò chuyện với bảo huynh hóa: cá nhận tự lượng giá lấy mình.

V. PHƯƠNG PHÁP DỰ ÁN: (có một khóa riêng).

Với thời đại hiện nay, phương pháp này là phương pháp chính yêu của ngành tráng.

 

C. TỔ CHỨC TRÁNG ĐOÀN:

I. Bước khởi đầu:

1. Tình hình hiện tại: có nhiều nơi.

- Chỉ mới 1,2 tháng tráng đoàn đã có 2, 3toán. Sinh hoạt như thiếu đoàn, không sinh hoạt theo phương pháp ngành tráng.

- Tự tổ chức ra một toán tráng huynh (đã 3, 4 chục tuổi) nhưng không biết sinh hoạt thế nào? Mục đích, nội dung tới đâu và làm gì?

2. Nguyên tắc: có nhiều tình huống.

a) Khi thiếu lớn hay kha đã đủ tuổi tráng (16 tuổi trở lên).

- Thiếu Trưởng hay kha trưởng không nên giữ em ở đoàn. Vì sự thăng tiến của các em và cũng vì sự huấn luyện liên tục tiên tiến của HĐ.

- Nếu có 3, 4 em như thế. Các em tụ lại thành 1 toán tráng vậy là, tráng đoàn đã bắt đầu hình thành. Nhưng tráng trưởng là ai? Làm sao để sinh hoạt:

* Cách 1: đúng nguyên tắc nhất của tráng đoàn là các em tự tìm cho mình 1 truởng phù hợp với toán. Mời vị này làm tráng trưởng (đương nhiên, vị này đã có bằng cấp làm trưởng ngành tráng; trên thực tế hơi khó thực hiện).

* Cách 2: do hội đồng đạo hay hội đồng liên đoàn cử một trưởng làm tráng trưởng.

b) Nơi chưa có thiếu hay kha:

- Khoảng 3, 4 em thiếu niên tuổi tráng. Thích Hướng Đạo qua báo chí hay nhiều truyền thông khác. Thì cũng có thể lập toán tráng như 2 cách trên.

3) Thời hạn tồn tại của tráng đoàn: là theo chu kỳ số lượng đoàn sinh từ thiếu, kha lên hay từ ngoài phong trào vào, nghĩa là:

- Không nhất thiết phải duy trì thường xuyên một tráng đoàn. Khi 1 tráng đoàn đã huấn luyện một lớp tráng sinh cùng trang lứa mà không có thiếu, kha lên hoặc bên ngoài vào. Thì tráng đoàn có thể ngưng hoạt động. Để rồi lại theo chu kỳ 2 … với nhu cầu cần.

4) Điều quan trọng là ai bảo huynh cho các tráng sinh ở toán đầu tiên này? Ta có các nguồn sau:

- Mời các trưởng trong các đơn vị ấu, thiếu, kha (miễn là đã lên đường).

- Nhờ tráng sinh lên đường ở tráng đoàn khác (có thể ở xa).

- Cùng lắm trong toán bảo huynh lẫn nhau. Nghĩa là các qui ước tu thân được đưa ra toán bàn bạc góp ý.

II. Hoàn thiện Tráng Đoàn:

1. Lập toán tiếp theo:

Khi toán ban đầu đã lên tới 7, 8 tráng sinh và đã có hơn 1 nửa là tráng sinh lên đường. Thì có thể tách toán. Nhưng cũng có thể cả 8 người đã lên đường và tuổi từ 25 trở lên, thì có thể giải tán toán này và lập toán mới.

Ngay khi toán ban đầu đã đi vào hoạt động, thì tráng trưởng có thể lập toán thứ 2, thứ 3… nếu nhu cầu cần.

Như thế chủ trương của tráng đoàn là:

* Hình thành toán của tráng đoàn là theo nhu cầu. Và nhất thiết số lượng không ào ạt; phải giáo dục từng tráng sinh theo khả năng bảo huynh và tổ chức của tráng trưởng.

2. Vậy tráng đoàn hoàn thiện sẽ theo sơ đồ tổ chức sau:

Tráng Trưởng

Tráng Phó

Phụ tá Tráng Trưởng- tuyên úy; thầy giáo Hạnh…

Ban

Huynh Trưởng

Toán lãnh đạo

TRÁNG ĐOÀN

Toán Trưởng

Toán Phó

Toán Trưởng

Toán Phó

Trưởng xưởng

Phó xưởng

Trưởng dự án.

Phó dự án.

Thư ký.

Thủ quỹ

Thư ký.

Thủ quỹ

Thư ký.

Thủ quỹ

Thư ký.

Thủ quỹ

Đoàn sinh

Các tráng sinh

a) Toán lãnh đạo:

- Mục đích:

* Ấn định đường lối chung của đoàn.

* Soạn thảo các chương trình kế hoach, để đưa ra hội đồng đoàn.

* Xúc tiến mọi sinh hoạt của đoàn.

* Kiểm thảo.

* Chuẩn bị và điều khiển các buổi họp hội đồng đoàn.

* Thi hành quyết định hội đồng đoàn.

- Kỳ họp: tối thiểu 1 tháng một lần. Chương trình nghị sự do tráng trưởng vạch tráng trưởng chủ trì buổi họp.

b) Hội đồng đoàn:

- Định nghĩa:

* Cơ quan chính yếu của ngành đường.

* Thực thi dân chủ.

* Luyện tinh thần trách nhiệm.

- Nhiệm vụ:

* Vạch chương trình ngắn hạn và dài hạn.

* Kiểm thảo, phê bình, xét xử cách thi hành phận sự do hội đồng giao cho tráng sinh.

* Chấp nhận tráng sinh lên đường và dự tráng qua giai đoạn.

* Chịu trách nhiệm về sự chi thu của tráng đoàn.

- Thành phần: toán lãnh đạo, trưởng đơn vị ấu, thiếu, kha đang sinh hoạt trong tráng đoàn và vài tráng sinh lên đường được đề cử.

- Kỳ họp: tối thiểu 3 tháng họp 1 lần hoặc sau kỳ trại lớn hay sau 1 công tác của tráng đoàn. Với nguyên tắc sau:

* Chương trình nghị sự do toán lãnh đạo vạch.

* Tráng trưởng điều khiển.

* Mọi người có quyền và có bổn phận phát triển ý kiến sau khi xin phép chủ tọa.

* Ghi vào sổ đoàn phả mọi quyết định và bảng phân công.

c) Tráng trưởng:

1. Điều kiện:

- Có tôn giáo, hiểu và sống theo tôn giáo đó.

- Được toán tráng mời hoặc hội đồng đạo, liên đoàn làm 1 danh sách các trưởng có thể đảm nhiệm chức vụ tráng trưởng, các tráng sinh chấp nhận.

- Tuổi không dưới 30, chín chắn, có gia đình càng tốt, có uy tín và có nghề nghiệp ổn định và thành công.

- Có nhiều kinh nghiệm tài năng kỹ thuật. Tối thiểu có dự bị bằng rừng tráng khi bắt đầu giúp đỡ toán. Khi có 2 toán thì phải có bằng rừng tráng.

- Có lòng nhiệt thành, lòng khoan dung, óc cầu tiến, trẻ tính, uyên bác, có kỷ luật, mẫu mực và trách nhiệm.

2. Nhiệm vụ:

- Kiếm một hay nhiều phụ tá đồng tuổi, đồng chí hướng.

- Lập hồ sơ tráng đoàn, cập nhật và sử lý khoa học để thấy sự thăng tiến của tráng sinh và tráng đoàn.

- Tuy toán trưởng điều khiển toán nhưng tráng trưởng phải:

* Chỉ cho toán những hoạt động có ích tìm cơ hội cho tráng sinh thực hiện và giúp toán giải quyết vấn đề khó khăn.

* Để ý đến mục tiêu của tráng đoàn, để cầm lái cho các toán trưởng.

* Biết rõ mức độ nào thì tráng trưởng can thiệp hay chặn đứng một vấn đề sinh hoạt của toán hay cá nhân tráng sinh.

- Khi tiếp xúc với tráng sinh thì: ngay thẳng, thích giúp đở và mật thiết. Phải là người hướng dẫn, chỉ bảo và là bạn của tráng sinh.

- Tìm và khám phá điều mới lạ xung quanh để tham mưu cho toán và cho tráng sinh.

- Phải bình tĩnh có óc phán đoán và trí khôn. Nhìn đời bao quát và hướng dẫn tráng sinh tầm xa.

d) Tráng phó:

- Giống như Tráng Trưởng nhưng tuổi có thể từ 25 tuổi.

- Nhịp nhàng với tráng trưởng.

- Bổ túc cho tráng trưởng.

D. TOÁN VÀ SINH HOẠT TOÁN:

1. Toán Tráng:

Toán là một nhóm bạn thân, gắn chặt bởi một tình bằng hữu cởi mở và thành thực trung mục đích giúp ích cho nhau và cho xã hội.

Nhờ vào tình bằng hữu và mục đích đó, toán sẽ trở thành:

a) Một nhóm thanh niên hăng say hoạt động và công tác với các thanh niên khác (không phải là HĐS) để thực hiện những công cuộc phục vụ xã hội.

b) Nơi rèn luyện nhân cách và khả năng chuyên môn hợp với tuổi sửa soạn vào đời.

2. Sinh hoạt toán:

a) Môi trường sinh hoạt: Toán luôn hoạt động thường xuyên nên ràng buộc một nơi sinh hoạt nhất định. Toán có thể dính liền với phường, trường học, họ đạo, hoặc một công ty nơi ma toán sinh ra. Vì thế công cuộc giúp ích đã được định hướng ngay từ ngày thành lập.

b) Thành phần giúp toán sinh hoạt:

- Vị tuyên úy hay thầy giáo Hạnh.

- Tráng Trưởng, toán lãnh đạo hay Hội đồng Tráng đoàn.

- Quí trưởng trong đạo, trong liên đoàn.

- Quí vị lãnh đạo trong môi trường sinh hoạt.

- Các vị am hiểu chuyên môn về các lĩnh vực có thể giúp tráng sinh mở rộng kiến thức và thăng tiến.

- Hội phụ huynh toán

c) Toán với tráng đoàn:

- Toán là đơn vị căn bản của Tráng đoàn. Toán độc lập nhưng không biết lập.

- Tráng đoàn như là 1 liên toán giúp tráng sinh hoạt động đều và vững tiến.

- Toán lãnh đạo hay hội đồng tráng đoàn tạo cơ hội cho toán.

* Trao đổi ý kiến với toán.

* Phối hợp sinh hoạt giữa các toán.

* Tổ chức hội học, xưởng.

* Thảo luận giải quyết những khó khăn của toán hay của xã hội mang đến.

* Tổ chức các công cuộc lớn mà toán tham gia.

- Trong 1 năm Tráng đoàn cần thực hiện cho các toán:

* Tổ chức 2, 3 sinh hoạt lớn (hội đoàn, trại 2 ngày, trại công tác, hội học, xưởng, thi đấu thể dục thể thao; đi xe đạp xa…)

* Trại hè.

* Tổ chức các phiên họp thường xuyên của toán lãnh đạo.

d) Toán bạn thân: toán phải được tạo thành bởi những thanh niên ham sống tập thể, luôn vui vẻ trẻ trung trước, trong và sau buổi sinh hoạt. Muốn được thế thì:

- Mỗi toán sinh phải giao du với các bạn đồng toán:

* Mỗi toán sinh phải tìm cơ hội để có thể tìm hiều thêm về bạn cùng toán khi: chơi thể thao, sinh hoạt, tập kịch thám du, đi trại.

* Toán Trưởng lại càng hiểu biết kỹ lưỡng các toán sinh của mình và tạo cơ hội để các toán sinh gặp gỡ nhau.

- Toán nên tổ chức những sinh hoạt giải trí:

* Với mục đích là gây hào hứng đề các tóan sinh có dịp sinh hoạt với nhau để thêm thông cảm.

* Giúp ích là điều cần thiết nhưng tình thân ái cũng không kém quan trọng vì thế cần có những buổi cùng ngồi uống với nhau ly café; ăn ly chè hoặc cùng thưởng thức món bánh bèo bánh hỏi… Trong lúc này tình cảm, tình thân dễ triển nở trong toán.

* Cùng nhau đọc một cuốn sách, cùng xem 1 bộ phim hoặc cùng đi dự dạ hội, sau đó trao đổi về cuốn sách bộ phim.

Nhưng cẩn thận, nếu không khéo các hoạt động trên làm cho toán trở thành toán “nhậu”; hay ban kích động về nhạc….

- Sinh hoạt toán sao cho các toán sinh hiểu biết nhau hơn để thắt chặt tình bạn.

* Không phải chỉ biết là cùng toán, biết tên mà còn phải biết địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh kinh tế, trình độ học đạt đến đâu, trường nào? Theo tôn giáo nào? Đã vào HĐ từ lúc nào? Từ thiếu, kha lên hay ở ngoài vào?

- Phải rộng lượng với nhau, mỗi người mỗi cá tính, mỗi hoàn cảnh cần thông cảm và giúp đở nhau, có thể toán mới trở thành toán bạn thân thực sự.

e) Toán hành động:

- Toán đã kết chặt tình thân ai tràn đầy, chúng ta đem nguồn yêu thương đó để phục vụ tha nhân trong những công cuộc.

- Công cuộc là gì? (có đề tài riêng).

f) Toán suy tư:

Toán đã được gắn bó tình bạn hữu thân ái. Muốn trải rộng tình thân ái ra giới thanh niên, muốn phục vụ cộng đồng toán cần suy tư, tự nguyện, học hỏi trước, trong và sau khi hành động. toán có 4 phương thức rèn luyện:

- Hội học:

* Mục đích: tìm hiểu những vấn đề thời đại, khám phá thiên nhiên, trao đổi hoặc học những vấn đề toán cần hiểu biết để mở mang kiến thức và có điều kiện phục vụ.

* Toán có thể tổ chức những tiếp xúc với nhà chuyên môn với một chính trị học, với một cán bộ nghiệp đoàn với thương gia…

- Học tập chuyên môn:

* Toán ngoài học chuyên môn HĐ để có thể đi thám du như: nghề rừng, làm cần, cấp cứu… toán cần học xa hơn như biết lợp mái nhà, đóng sườn nhà, nghề nề cơ bản, thợ nguội, võ thuật, nhạc cụ, học vẽ.

- Thanh đàm: toán cần trao cho nhau những tâm tư những thắc mắc cuộc sống hàng ngày; đời sống gia đình, chuyện trai gái những thú vui, chuyện học hành, báo chí.

Buổi thanh đàm do toán Trưởng hay 1 tráng sinh có năng lực chủ tọa. không nên khó dài quá 30 phút.

Trong buổi thanh đàm, toán nên ít nói nhưng suy tư cảm thông là chính.

- Qui ước tu thân ( Đã nói ở trên).

g) Toán hướng thượng: ngành tráng đón tiếp thanh niên thuộc mọi tôn giáo hay đang đi tìm một tôn giáo. Toán tráng cần khuyến khích, tạo khung cảnh thích nghi cho sự tìm kiếm và suy tư tiến đến tôn giáo.

- Nếu toán đồng tôn giáo:

* Cùng nhau làm nghi thức tôn giáo trước, sau sinh hoạt.

* Cùng nhau học giáo lý tôn giáo và giúp nhau sống đạo tốt trong mọi sinh hoạt toán.

* Cùng nhau xuất du hồi tâm, cầm phòng, ngồi thiền tại tu viện hay chùa.

- Nếu toán không đồng tôn giáo:

* Khi sinh hoạt chia nhóm tôn giao để cầu nguyện.

* Nếu có người đang tìm kiếm tôn giáo thì tổ chức hội học các tôn giáo…

B. ĐỜI SỐNG TRÁNG SINH:

1. Biểu đồ thời gian Huấn luyện tối đa: (biểu đồ đính kèm)

2. Các thời kỳ:

a) Dự tráng - Tân tráng:

Dự tráng: là những thanh niên ở ngoài vào tự huấn luyện với sự giúp đỡ của 2 bảo huynh theo nội dung sau:

* Nghiên cứu lời hứa và luật Hướng Đạo để trở thành HĐS (dự tráng thành tân tráng).

* Học tập chuyên môn kỹ thuật HĐ trong chương trình tân sinh và hạng nhì.

* Tuyên hứa HĐ sau thời gian thử thách (sau 6 tháng không tuyên hứa không tiếp tục sinh hoạt).

(Dự tráng lúc này thành Tân tráng và tiếp tục rèn luyện theo nội dung Tân tráng)

Tân Tráng: Là HĐS từ kha lên tự HL với sự giúp đỡ của 2 bảo huynh theo nội dung sau:

* Đọc và nghiên cứu các sách căn bản HĐ: HĐ cho trẻ em, đường thành công. Điều lệ và nội quy HĐVN, qui chế ngành Tráng.

* Suy gẫm lại về luật và lời hưa HĐ để áp dụng trong cuộc sống.

* Đạt trình độ HĐS hạng nhất; có khả năng HL một thiếu sinh hay một thanh niên ở ngoài vào thành HĐ hạng nhì.

* Đạt trình độ trung bình về thám du và nghề rừng của HĐ hàng nhất.

* Có khả năng trung bình về thủ công hoặc văn nghệ.

* Đủ sức tham gia cuộc hội luận về HĐ hay 1 vấn đề nghĩa là đủ thời gian sức khỏe và ghi chép đầy đủ.

* Tham gia công việc chung của toán và các tráng đoàn.

b) Tráng sinh: Sau khi qua giai đoạn tân tráng thì sẽ trở thành tráng sinh thực thụ và rèn luyện mình qua các nội dung:

- Tiếp tục tìm hiểu về mục tiêu, đường hướng và lịch sử của pt.HĐVN và thế giới

- Học hỏi và thực hiện phương pháp ngành tráng: qui ước tu thân, phương pháp dự án, hội học, xưởng…

- Sinh hoạt đều đặn, liên tục và tích cực với toán và tráng đoàn.

- Tham gia ban huynh trưởng một ấu, thiếu hay kha đoàn ít nhất 6 tháng và học hỏi về ngành đó. Để có thể sau này thành huynh trưởng HĐ.

c) Tráng sinh lên đường: lên đường là giai đoạn thể hiện tráng sinh đã Trưởng thành (tuổi tác, học vấn, nghề nghiệp, gia đình) và có ý nguyện sống theo tinh thần HĐ qua nỗ lực thực hiện luật và lời hứa HĐ trong cuộc sống.

- Bắt đầu công việc tu tiến gọi là tiêu chuẩn tráng gồm 7 cơ sở:

* Sức sống ngoài trời và kỹ thuật HĐ.

* Sức khỏe.

* Văn hóa, văn nghệ.

* Hôn nhân gia đình.

* Nghề nghiệp sinh kế.

* Công dân xã hội.

* Đạo lý (tôn giáo).

- Tiếp tục sinh hoạt trong tráng đoàn và góp phần hướng dẫn tráng sinh khác.

- Có thể nằm trong hội đồng tráng đoàn, để giúp tráng đoàn tiến mạnh.

- Tới 25 tuổi thì ra đời giúp ích hay quay lại làm Trưởng HĐ.

- Nếu 1 tráng sinh nào tới 25 tuổi mà không lên đường cũng phải rời khỏi tráng đoàn.

 

HỘI LUẬN:

Anh chị nghĩ thế nào?

1/ Khi một Trưởng chưa có dự bị bằng rừng tráng mà vẫn mở tráng đoàn hay toán tráng huynh để sinh hoạt.

2/ Một tráng đoàn toàn là cựu tráng sinh lên đường; tuổi từ 30 trở lên vẫn sinh hoạt tráng đoàn và hoạt động giúp ích rất tích cực và hiệu quả.

3/ Bipi nói: “ phong trào HĐ ở trong tay các tráng sinh”.

a) Vậy vì sao các nước châu âu đã bỏ ngành Tráng?

b) Việt Nam có nên bỏ ngành Tráng không?

c) Tráng đoàn tráng huynh hay toán tráng huynh gồm thành phần nào? Và có nên tồn tại trong sinh hoạt HĐ hiện nay?