langhuehd 125x50

Phong Trào Hướng Đạo

MỘT TRĂM NĂM PHỤC VỤ GIỚI TRẺ

Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới (HĐTG) năm nay kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100. Phong trào phát xuất do sáng kiến của Huân tước Baden Powell (1857-1941), một cựu trung tướng nổi danh sau trận chiến bảo vệ thành Mafeking (Nam Phi) với quân số khoảng một ngàn, khi thành bị bao vây bởi tám ngàn địch quân là thổ dân Boers nổi dậy kháng cự chế độ thuộc địa.Ky Niem 100 năm HĐ

Chủ ý mới đầu của ông khi trở về Anh quốc năm 1903, mong trợ giúp nhiều nhóm thanh thiếu niên Anh vì chứng kiến việc họ tự động kết hợp để áp dụng những điều ông viết trong cuốn Aids to Scouting (Giúp đỡ quân tiền thám – 1902) thâu thập từ đoàn thiếu sinh quân đảm nhiệm canh phòng, dò thám địch quân, mà một phụ tá của ông tổ chức ở Mafeking để phụ lực quân chính qui. Các thiếu sinh quân ấy đã tỏ ra can đảm, tháo vát, hy sinh và tận tụy, lập nhiều thành tích và chiến công chẳng kém những binh sĩ trưởng thành.

Vì sự hưởng ứng quá nông nhiệt và số trẻ em tự nhận là Scout (hướng đạo – HĐ) gia tăng quá đông đảo, hoạt động hỗn tạp thiếu qui củ, ông thấy cần thiết có phương thức đoàn ngũ hóa và một phương án sinh hoạt cho họ. Ông gom thử một nhóm thiếu niên ở khu xóm nghèo của thủ đô, dẫn đi cắm trại trên đảo Brownsea, ở cửa sông Thames gần London (1907 – sau coi như năm sinh của phong trào Hướng Đạo Thế Giới – PT-HĐTG). Nhóm được phân chia thành từng « đội » tám em một, thi đua thử nghiệm chương trình phác họa, gồm trò chơi, thám hiểm, quan sát thiên nhiên, khắc phục trở ngại, tận dụng những phương tiện thô sơ có thể kiếm tìm tại chỗ. Nhận thấy kết quả mỹ mãn của phương pháp giáo dục bằng cách giao trách nhiệm và cho trải qua thử thách của đời sống ngoài trời, ông hoàn tất bản thảo rồi ấn hành cuốn Scouting for Boys (Hướng Đạo cho Trẻ Em - 1908) trình bày phương án hoạt động tuần tự cho lứa tuổi thiếu sinh (từ 11 đến 15, 16). Cuốn này là sách gối đầu giường của thiếu niên Anh, sau trở thành thủ bản cho đoàn sinh hướng đạo (HĐ) khắp nơi. Ý kiến độc đáo của ông đã phát động một phong trào quốc tế lan rộng rất mau ngoài Anh quốc, qua nhiều nước châu Âu, châu Á (Nhật Bản là tiên phong), châu Phi, châu Mỹ La Tinh1, và trong các thuộc địa Anh, Bỉ, Hòa Lan,Pháp, bao quanh thế giới.

Để đào tạo người trưởng thành chịu trách nhiệm đoàn ngũ và hướng dẫn đơn vị HĐ, Baden Powell viết cuốn Aids to Scoutmastership – Chỉ dẫn cho Trưởng HĐ (nay Trưởng gọi là Scouters) - rồi lập trại huấn luyện trưởng ở khu đất thuộc Gilwell Park gần London do một nhà hảo tâm tặng để sử dụng vào việc này.Trại Gilwell trở thành trung tâm huấn luyện bắt buộc (cho tới cuối thập niên 80) những dự bị Trại Trưởng Quốc Gia của mỗi hội thành viên Phong Trào HĐTG (1920), tất cả đã tôn vinh ông là Chief Scout (thủ lãnh). Khi được Hoàng gia Anh ban thưởng về công trạng của ông trong địa hạt giáo dục trẻ, ông lấy tên trại làm tước hiệu : Lord Baden Powell of Gilwell. Ông rút lui khỏi HĐ, về hưu dưỡng ở nơi ông sinh trưởng (Kenya, Nam Phi) năm 1939, khi chưa bùng nổ Thế Chiến II, rồi tạ thế ở đó năm 1941. Mộ phần của ông – có chung hũ tro phu nhân, Lady Olave, Thủ lãnh Nữ HĐTG – nay được chính quyền Kenya tôn là National Monument (lăng tẩm quốc gia).

Tổ Chức của Phong Trào HĐTG (World Organisation of the Scout Movement – WOSM) hiện nay có 28 triệu hướng đạo sinh và trưởng, với số thành viên quốc gia, lãnh thổ biệt lập (như Monaco, Luxembourg, v.v…), cùng những tổ chức thiện nguyện quốc tế làm việc xã hội, giáo dục thiếu nhi, cứu trợ, bảo vệ môi sinh, nhiều hơn nhân số thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc. Văn phòng trung ương đặt ở Geneva (Thụy Sĩ) ; phụ tá có 6 Văn Phòng Miền (Region) : Africa (châu Phi), Arab (Trung Đông), Asia-Pacific (châu Á và Hải Dương Châu), Eurasia (Turkey, Ukraine và Liên bang Nga), European (châu Âu), và Interamerican (châu Mỹ).

Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam    

Năm 1930, đoàn hướng đạo Việt Nam đầu tiên thành lập ở Hà Nội, do trưởng Trần Văn Khắc, nhân chiến dịch cổ động phong trào sống khỏe sống hùng với hoạt động thể dục thể thao. Thời buổi ấy, xã hội Việt Nam đang thực sự chuyển mình, trút bỏ dần một số tư tưởng và lề lối sinh hoạt gò bó hủ lậu thời Nho học để mong đuổi kịp trào lưu văn minh tiến bộ ở các nước Tây phương. HÐVN xuất hiện như một thành phần tiền phong trong cuộc vận động tân học, theo nếp sống mới. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn giáo dục của HÐVN đã triển khai từ nền tảng nguyên lý HĐ do Baden Powell đề xướng, trong chiều hướng phù hợp với tâm tình chung của dân tộc.

Phong trào HĐVN trải qua nhiều biến cố lịch sử, gồm hai trận chiến tranh dữ dội. Trận.1 từ 1946 đến 1954, Kế tục là trận VN-2 từ 1959, chấm dứt với chiến dịch thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Ðầu thập kỷ 80, nội san Giữ Vững (chi nhánh Pháp) trong kỷ niệm 50 năm HĐVN, đã ví Phong trào HĐ tại nước ta như con phượng hoàng thần thoại Tây phương, có đặc tính hồi sinh từ nhúm tro tàn. Quả thực HÐVN đã gặp mấy kỳ đại nạn tưởng chừng làm cho đoản mệnh.

Tổ chức thống nhất ba Kỳ Hội (Bắc-Trung-Nam) lập eđấu năm 1946 - hội Nam HÐ, chưa có hội Nữ - tan rã năm 1946 khi trận chiến VN-1 lan tới thủ đô Hà Nội ; năm 1950 mới phục hoạt một cách hạn chế trong những thị trấn Pháp tạm chiếm. Chưa được bao lâu, đất nước chia cắt bởi Hiệp định Genève 1954 ; chỉ có hai liên đoàn không đủ túc số (vài ba chục người) nguyên ở khu vực Phát Diệm, với một ít trưởng và đoàn sinh thuộc các đơn vị phía Bắc sông Bến Hải theo làn sóng di cư vào miền Trung, miền Nam. Sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ từ 1955 đến 1959 trên phần đất dưới vĩ tuyến 17 bị chặn đứng do cuộc chiến VN-2. Hoạt động HÐ ở miền Nam rút cuộc phải đình chỉ ngày 03.5.1975, khi ủy ban tiếp quản ra quyết định giải tán hai Hội Nam và Nữ HÐVN, tịch thu tài sản.

Không ai ngờ bóng dáng HÐVN xuất hiện ngay ở hải ngoại trong trại tạm trú đợt tị nạn đầu tiên (Subic Bay, Guam, Fort Chaffee, Fort Pendleton ; sau đó ở Poulo Bidong (Mã Lai), Poulo Galang (Indonesia), Singapore, Thái Lan, Hongkong, Philippines) rồi nhiều đơn vị lần lượt được gây dựng lại ở xứ định cư (Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hòa Lan, Anh, Na Uy, Hoa Kỳ, Canada, Úc. Đã từng có đơn vị HĐVN ở Đại Hàn (South Korea), ở Okinawa (Nhật Bản) nhưng không bền vì dân tị nạn sau đã phân tán.

Hệ thống kết hợp và hành động chung hiện nay được hình thành tốt đẹp năm 1983. Hiến Chương Costa Mesa - địa điểm thuộc tiểu bang California Hoa Kỳ, nơi họp hội nghị phong trào hải ngoại - căn cứ theo Điều Lệ Tổ chức HÐ Hoàn Vũ, xác định đường hướng hoạt động trong khuôn khổ thỏa hiệp với các hội HÐ bản địa, và hội nhập xã hội mới mà vẫn giữ truyền thống dân tộc.

Cơ cấu cao nhất gọi là Hội Đồng Trung Ương (HĐTƯ), thực ra là Ủy Ban Quốc Tế của PT-HĐVN hải ngoại, không có trụ sở nhất định. Hội nghị thường kỳ 4 năm của HĐTƯ bầu một Ban Thường Vụ cho nhiệm kỳ, chịu trách nhiệm điều hành guồng máy kết hợp các đơn vị ghi danh trong các Chi Nhánh (nước định cư) và Miền (riêng ở Hoa Kỳ), chỉ đạo công tác giáo dục truyền thống (văn hóa VN và truyền thống HĐVN) ở mỗi CN và Miền, phát động và tổ chức những sinh hoạt chung (hội nghị Trưởng, Họp Bạn Thẳng Tiến, chiến dịch quyên góp để cứu trợ nạn nhân thiên tai, v.v..). Trại họp bạn quốc tế Thẳng Tiến 1 triệu tập năm 1985 ; tới nay đã có 7 trại kế tục (tổng cộng 8 trại : hai lần ở Pháp, một ở Canada, một ở Úc, bốn ở Hoa Kỳ). Trại Thẳng Tiến VIII vừa tổ chức vào hè 2006 ở Nam Cali.

Hướng Đạo "bán công khai" !

Một hiện tượng được đặc biệt thưởng thức bởi PT-HĐTG, là chỉ riêng ở VN, trái với trường hợp ở Nga Xô, ở Đông Âu và các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa trên thế giới, có sự hiện diện của PT-HĐVN do những trưởng cũ nương theo hoàn cảnh, linh động hội tụ đoàn sinh của mình để khuyến khích giữ tinh thần với lý tưởng HĐ, đơn giản là giữ lời tuyên hứa sống theo Lời Hứa và Luật HĐ.

Đơn vị mở đường đầu tiên là Đạo An Tịnh hoạt động thầm lén từ 1945 đến 1948 ở vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Trưởng đứng đầu là ông Võ Thành Minh, cựu Tổng Ủy Viên hội HĐ Trung Kỳ rồi Tổng Thư Ký Liên Hội HĐ Đông Pháp (1931-1945) đã rời vùng mật khu ở VN qua Pháp năm 1949 để vận động hòa bình2.

Một số đơn vị HĐ âm thầm hoạt động ở Saigon và lân cận ngay từ 1977-78, nay đã là HĐ « bán công khai » ở nhiều thị trấn miền Nam và miền Trung (lãnh thổ VNCH trước), do sự đánh giá bất thành văn là vô hại của nhà cầm quyền địa phương, tuy nhiên vẫn bị thường xuyên kiểm soát.

Đã có mấy lần những cựu HĐ là đảng viên lão thành cách mạng kiến nghị xin phép phục hoạt hội HĐVN-1946, nhưng chưa có kết quả. Tổ chức HĐTG thì vào khoảng thập niên 90 đã tìm cách liên lạc với vài đơn vị sinh hoạt HĐ không đồng phục ; cũng đã thăm dò chính quyền Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa về khả năng cho phép HĐ hoạt động chính thức và gia nhập HĐTG. Nhưng mọi cuộc vận động của HĐTG và của chính các HĐVN quốc nội đều không thành tựu. tuy hiện giờ đã có luật ấn định thủ tục lập hội đoàn dân sự.

Sức sống của PTHĐVN

Sức sống của Phong trào được xây đắp ngay từ lúc sơ khởi do sự áp dụng hợp thời hợp cảnh mục tiêu và phương pháp HĐ với tinh thần và sinh hoạt được Việt hóa sau khi du nhập, cũng như những phương án giáo dục, những thể thức huấn luyện phỏng theo mẫu và kinh nghiệm của HÐ Pháp thời tiền chiến. Phương thức Việt hóa giúp cho HÐVN mở đường, khai phá lãnh vực sinh hoạt thanh thiếu niên khi ấy còn hoàn toàn mới lạ, và đóng góp ít nhiều sáng tạo vào nền văn hóa dân tộc cho phong phú thêm (xin coi bài Văn Hóa HÐVN, tập san Giúp Ích số 4, Chi nhánh Pháp).

Ðồng thời khi thành lập, Phong trào có vị thế đặc biệt thuận lợi : HÐVN vừa là đoàn thể thế tục đầu tiên dành cho giới trẻ Việt Nam, vừa là tổ chức Việt Nam duy nhất được công khai tỏ bày lòng yêu nước mà không bị đàn áp thẳng tay. Vào thời điểm nói trên, nhà cầm quyền thuộc địa khó ngăn chặn nổi sức lôi cuốn của một phong trào đề cao lòng trung thành với tổ quốc qua Lời Hứa và Luật, qua nghi thức và tập tục như lễ chào cờ HĐ, qua sự sử dụng địa danh có thành tích lịch sử hay tên anh hùng liệt nữ làm danh hiệu đơn vị, qua sự khai thác những biến cố trọng đại nhắc nhở tinh thần tự chủ, hy sinh chống ngoại xâm hay sự đô hộ của nước ngoài trong các bài ca, trò chơi và thử thách lên hạng ở chương trình Ngành ... Có thể nói rằng uy danh mà HÐVN đạt tới trước năm 1945 phần lớn, do thành quả qui tụ nhiều phần tử trẻ trung, có học, có ý thức vững mạnh về nền độc lập tương lai của xứ sở, có tinh thần hy sinh phục vụ đất nước, quyết chí tu thân và chau dồi khả năng - Sắp Sẵn (Be Ready), theo châm ngôn HÐ - ngõ hầu gánh vác vai trò thích hợp để phục vụ đất nước trong tương lai. Không ai ngạc nhiên khi mấy vị giữ trách vụ trọng yếu trong hội HÐ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dẫn đầu là các trưởng Hoàng Ðạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, bí mật tham gia Mặt Trận Việt Minh. Sau ngày 19.8.1945, mấy trưởng này lôi cuốn được nhiều trưởng khác và tráng sinh theo họ phục vụ chính quyền cách mạng. Tr.Hoàng Đạo Thúy, cựu Tổng Ủy Viên hội HĐ Bắc Kỳ, tổ chức Trại Tân Trào ở khu đại học xá Hà Nội, căng biển ngữ chào mừng cách mạng thắng lợi. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã vi hành tới thăm trại, được Trại Trưởng là bs.Trần Duy Hưng, Châu Trưởng Châu Thăng Long, đón tiếp ở cổng vào rồi hướng dẫn tham quan toàn khu.

Năm 1946, đại hội hợp nhất HÐ ba Kỳ họp ở thủ đô Hà Nội quyết định thành lập Hội HĐ Việt Nam chung cho toàn quốc. Chủ Tịch Hồ Chí Minh ký nghị định cho phép hội hoạt động ; nghị định này được công bố trên trang nhất tờ Nhân Dân cùng với bản tin về sự bổ nhiệm tr.Hoàng Đạo Thúy làm giám đốc trường lục quân Trần Quốc Tuấn (Sơn Tây). Đáng tiếc là chỉ vài tháng sau cuộc toàn quốc kháng chiến khiến cho hội HĐVN phải đình chỉ hoạt động.

                                                                           o

                                                                         o   o  

Sức sống vững mạnh và bền bỉ qua 77 năm đầy sóng gió khiến người ta có thể tin tưởng ở sức vươn trở dạy của phong trào ở quốc nội trong nền hòa bình, phát triển và thịnh vượng tương lai. Lo gì phong trào không có dịp tưng bừng kỷ niệm sinh nhật 100 năm (2030) trong viễn tượng ấy ở chính quê hương.

                                                                Voi Già (Hoa Lư 1956) – Paris tháng 5-2007

_____________________________________

1 Hoa Kỳ có HĐ từ năm 1910, và gia nhập PT-HĐTG năm 1924

2 Ông chính là người căng lều thổi sáo ở ngoài phòng họp Hội nghị Geneva 1954, mong được hai phái đoàn thương thuyết của QGVN và Việt Minh nhận tiếp kiến. Nhưng chỉ có mấy trưởng HĐ bạn cũ (Trần Văn Tuyên, Cung Giũ Nguyên, …) tới thăm, mong thuyết phục ông ngưng tuyệt thực. Vài năm sau, ông trở về sống ẩn dật ở Huế. Bị bắt hồi Tết Mậu Thân mang ra giam trong rừng, rồi tạ thế ở đó. Di cốt của ông về sau được cải táng đem về Huế chôn ở khu phần mộ cụ Phan Bội Châu..