langhuehd 125x50

Sơ Lược về

Công tác huấn luyện Trưởng HĐ Công giáo Pháp
(Scouts de France - SDF)

             Công tác huấn luyện Trưởng của hội SDF (Công Giáo) ngay từ thời kỳ trước Đệ nhị Thế chiến đã được tổ chức tỉ mỉ và chu đáo, lại luôn theo sát đường hướng và các qui định của Tổ chức Hoàn Vũ (World Scout Organisation - WSO). Kể từ thập kỷ 80, tiếp theo quyết nghị của WSO, sự huấn luyện không còn rập theo tổ chức với mẫu mực độc nhất toàn thế giới ; thể thức cùng nội dung được hiện đại hóa tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh khác biệt của Hội, của giới trẻ và của xã hội Pháp. Tuy nhiên, cũng theo tập tục của HĐ Hoàn Vũ, Huy hiệu Rừng (HHR - Wood Badge), phù hiệu Trưởng HL (3 gỗ, 4 gỗ) còn tiếp tục xử dụng ; đó là biểu hiệu chung để nhắc nhở thời đại Gilwell và công lao khai phá của vị sáng lập Baden Powell.

            Tổ chức SDF huấn luyện Trưởng đơn vị theo hệ thống chính yếu gồm các khóa Dự Bị và Hoàn Luyện riêng cho 3 Ngành HĐ lứa vị thành niên (dưới 18 tuổi) : Ấu, Thiếu, Thanh. Những tên gọi ở dưới gần đây đã đổi danh hiệu, nhưng ý hướng và mục tiêu nguyên thủy thì giữ nguyên, nên xin ghi theo danh hiệu cũ diễn tả đúng chức năng hơn :

Dự Bị.-

Gọi tắt trước đây là STIP (Stage d'Initiation Pratique - khóa hướng dẫn nhập cuộc thực tập) bắt buộc tất cả phụ tá đơn vị phải qua nội trong năm đầu nhận trách nhiệm. Hạn tuổi tối thiểu là 18 cho Ngành Ấu và Thiếu, 19 cho Ngành Thanh. Thời gian là 8 ngày trại. Các khóa STIP do ban huấn luyện địa phương (tỉnh, vùng) đảm nhiệm với thỏa hiệp trước của Bộ Tổng ủy viên ; thời gian và địa điểm gồm chung trong lịch trình huấn luyện toàn quốc phổ biến vào đầu năm dương lịch.

            Mục tiêu là (1) Biết phân tách sự cá biệt của đoàn sinh do hạng tuổi, địa phương tính, sở trường sở đoản, tầng lớp xã hội và văn hóa (2) Hiểu rõ trách nhiệm khi đảm nhận công tác : sự an ninh của trẻ, thể lệ hành chánh, việc quản trị đơn vị quanh năm và ở trại. Nhịp sống và nghệ thuật sống (3) Suy tư về cùng đích giáo dục HĐ trong Ngành (4) Biết xử dụng kỹ thuật sống ngoài trời và làm cho các dự án của đoàn sinh thêm phong phú (5) Biết hoạt náo thời gian sống đạo trong đơn vị.

Hoàn Luyện.-

Gọi tắt là STAP (STage d'õApprofondissement Pédagogique - khóa thâm cứu sư phạm) dành cho trưởng sẽ phụ trách đơn vị hay điều khiển trại đơn vị, đã qua STIP và có kinh nghiệm hoạt động một năm ở đơn vị, gồm trách vụ hoạt náo ở một trại dài ngày (trên 7 ngày). Hạn tuổi tối thiểu là 19 cho Ngành Ấu với Thiếu, 21 cho Ngành Thanh. Thời gian là 8 ngày trại. Khóa STAP có thể do cấp Vùng tổ chức, nhưng thường khai diễn ở trại toàn quốc mỗi năm hai kỳ, vào dịp hè và nghỉ lễ Giáng sinh.

            Mục tiêu là (1) Nắm được đặc tính và bản năng sống động của lứa tuổi, phản ứng khi quần tụ, và sự quan trọng của phương pháp tích cực trong giáo dục (2) Quản trị một đơn vị : sinh hoạt, khung cảnh sống, dự án, đội ngũ, trách vụ và tư vấn, sự điều hành của toán lãnh đạo đơn vị (3) Nhận định trách nhiệm Trưởng đơn vị đối chiếu với các trách vụ giáo dục khác (4) Điều khiển trại đơn vị : tổ chức, sinh hoạt hàng ngày, địa điểm, an ninh, hoạt động, ngân sách, dinh dưỡng, sự điều hành của toán lãnh đạo trại. Lập một kế hoạch giáo dục (projet pédago-gique) (5) Thẩm định tiến bộ của đơn vị và của từng đoàn sinh. Định vị trí của mình trong trách nhiệm giáo dục (6) Nắm được cùng đích và phương pháp HĐ đối với lứa tuổi liên hệ.

           Cấp Hoàn Luyện có hai khóa đặc biệt, một cho Ngành Thanh (SPIFAC), một thuộc Ngành Tráng (STAR).

Khóa SPIFAC

Dành cho những người trưởng thành (trên 25 tuổi) ở vị trí trách nhiệm Thanh đoàn, những trưởng (trên 22 tuổi) đã qua khóa Hoàn Luyện ở Ngành khác muốn hiểu rõ phương pháp Ngành Thanh, nhưng không thể theo khóa 8 ngày liền ở trại vì lý do gia đình, nghề nghiệp, thời gian ngắn có thể dành mỗi lần cho sinh hoạt HĐ. Khóa gồm có 5 kỳ trại cuối tuần và 4 buổi tối, tổ chức ở Tỉnh hay ở Vùng, kèm với sự trợ giúp tại đơn vị nhằm nắm được phương pháp Ngành và biết xử dụng các trợ cụ hoạt náo ; tiêu chuẩn tốt nghiệp gồm lập kế hoạch và điều khiển thực hiện một trại hè hoặc dài ngày - một tháng, hoặc ít nhất 2-3 tuần lễ liền) cho đơn vị.

Khóa STAR

Đào tạo những Hoạt náo viên Trạm Tráng sinh (relais : không hẳn là nơi tạm ngừng chân), nhưng nhất định là cứ điểm liên lạc, sinh hoạt, tổ chức và xuất phát mọi hành động  gồm phần vụ quản lý (gestion), với tư cách một TS lớn, từng trải (người đã đi trước). Hoạt náo viên do TS bầu ra ; một trách vụ đặc thù ở Ngành Tráng SDF có thể gần cận với trách vụ Cố vấn cho vị Tráng trưởng do Tráng sinh bàu ra ở Úc, ở Canada. Dành cho người trưởng thành (trên 25 tuổi), đang hoạt động ở một Trạm Tráng sinh và đã qua khóa căn bản (STIP hay STEN, sẽ nói ở dưới).

           Mục tiêu là :

(1) Đào sâu cùng đích HĐ và phương pháp đối với lứa tuổi 17-21 (phương án Tráng sinh)

(2) Hiểu biết đặc tính tâm lý, thể chất và xã hội của lứa tuổi ngõ hầu trợ giúp tráng sinh thiết lập dự án

(3) Quản trị đời sống của đơn vị, nhóm trẻ, trong một kế hoạch HĐ

(4) Lãnh hội khả năng kỹ thuật hoạt náo nhóm : hội họp, thảo luận, diễn tả, v.v.

(5) Áp dụng phương án giáo dục tùy theo môi trường sinh sống và ước vọng của giới trẻ

(6) Cổ xúy một cộng đồng Ki-tô giáo

(7) Làm cho phương án tráng sinh phong phú hơn trong suy tư về trách vụ giáo dục hiện đại

(8) Đặt đúng vị trí sự điều hành hội đoàn và phương án giáo dục HĐ.

            Tiếp theo là khóa bổ túc về chuyên môn và kỹ thuật, mở rộng cho cả tráng sinh và thanh sinh ở giai đoạn phục vụ , gọi là POLYCRAFTS (coi thêm khóa CRAFTS ở dưới). Khóa tổ chức ở cấp Vùng và ở trại toàn quốc, thời gian từ 8 đến 9 ngày tùy theo đề mục.

Mục tiêu là

(1) Quản trị đơn vị, nhóm trẻ, trong một hoạt động chuyên môn hay kỹ thuật

(2) Thẩm định và nâng đỡ tiến bộ kỹ thuật của trẻ và đơn vị, nhóm trẻ, trong sinh hoạt chuyên biệt đó.

            Sau đến hệ thống huấn luyện trưởng cấp liên đoàn, tỉnh và vùng, gồm có các khóa STEN, CHAM 1, CHAM 2.

STEN.(riêng Ngành Tráng) -

SDF có chiến dịch quy mô nhằm thu hút những người trưởng thành, chưa sinh hoạt HĐ nhưng là phần tử tích cực ở cộng đồng tôn giáo hay xã hội, lại đã có căn bản vững chãi trong cuộc sống (gia đình, nghề nghiệp), để đảm trách liên đoàn hay tăng cường toán lãnh đạo cấp tỉnh, cấp vùng. Khóa STEN là chặng căn bản đào tạo những dự trưởng này (tựa như STIP cho Ngành nhò tuổi). Thời gian là 8 ngày trại, hoặc 4 kỳ trại cuối tuần, bổ túc bằng sự khai triển ở đơn vị những trợ cụ (outil/tool) giáo dục đặc biệt.

Mục tiêu là :

(1) Trình bày cùng đích của hội (SDF) và phương pháp giáo dục HĐ, với vị trí đặc thù của người trưởng thành

(2) Nhận biết những chặng phát triển chính yếu của trẻ vị thành niên (ấu, thiếu, thanh), cùng tính chất liên tục của phương án giáo dục SDF

(3) Mô tả những sinh hoạt chủ yếu đối với từng lứa tuổi theo phương pháp HĐ

(4) Phân tách môi trường địa phương và đề ra một dự án sư phạm cấp đơn vị cùng một kế hoạch hoạt náo cấp liên đoàn

(5) Liệt kê những qui lệ hành chính về tổ chức, vệ sinh và an ninh khi cắm trại, thể lệ thiết lập ngân sách trại và cách soạn thực đơn

(6) Thiết kế một kỳ trại cho đơn vị với chương trình hoạt động, mô tả mọi tổ chức sinh hoạt mỗi ngày.

CHAM.-

Chữ tắt nhắc nhở danh hiệu trại trường đầu tiên (CHAMarande, địa danh khu vực ở tỉnh Essonne phụ cận Paris ; nơi CN Pháp đã mược tổ chức Họp Bạn TT.4, 1994) do vị sáng lập SDF, Linh mục Sevin, đảm trách. Do ban huấn luyện quốc gia tổ chức ở Jambville - Trại Trường, cũng là địa điểm cắm trại cá nhân (TS) hoặc đơn vị hay thành phần đơn vị (đội, tuần, toán) . Trại CHAM dành cho tất cả trưởng cấp tỉnh và cấp vùng, ít nhất 21 tuổi và đã qua phần huấn luyện căn bản (STIP, STEN). Khuyến khích sự tham dự của trưởng cấp đơn vị chứng tỏ có khả năng hoạt náo, đã qua khóa Hoàn luyện (STAP, SPIFAC). Chia làm hai bậc :

CHAM-1 –

Thời gian là 10 ngày trại. Hoan nghênh sự tham dự của gia đình trại sinh (vợ chồng con cái), có chương trình hoạt náo riêng, con nhỏ có người coi sóc khi bố mẹ sinh hoạt. Mục tiêu là

(1) Nắm được vai trò điều khiển mọi mặt một trung tâm (trại) nghỉ hè nghỉ lễ. Sự đào tạo tựa vào một trung tâm sinh hoạt HĐ ở nơi trại sinh cư ngụ

(2) Đảm nhiệm vai trò huấn luyện lứa trưởng trẻ tuổi bằng cách phát triển tinh thần trách nhiệm và sức sống động của họ, đồng thời hướng dẫn họ thi hành trách vụ

(3) Nhận rõ mục tiêu giáo dục, đặc biệt theo sát đường hướng sư phạm của Phong trào HĐ

(4) Thiết lập một dự án giáo dục (thể hiện một đề mục trong quá trình giáo dục tổng quát) cho cả nhóm trưởng phụ trách sinh hoạt HĐ trong khu vực

(5) Lãnh hội khả năng thực hiện với thành quả tốt một kế hoạch sư phạm nhằm vào một khu vực chỉ định, với sự cộng tác của toán hoạt náo địa phương

(6) Thẩm định các thử nghiệm về sư phạm và về tổ chức ; trao đổi kinh nghiệm riêng trong lãnh vực với toàn thể trại sinh.

CHAM-2 –

Thời gian là 8 ngày trại, dành cho trưởng đã qua Bậc 1 . Mục tiêu là

(1) Phân tách và nhận biết tiềm năng phát triển HĐ tại một khu vực chỉ định

(2) Thiết lập kế hoạchợ thể hiện một chiến lược phát triển của Phong trào tại một khu vực chỉ định

(3) Nắm vững và góp phần quản trị nguồn nhân sự trưởng thành trong Phong trào SDF

(4) Đào sâu những lãnh hội trong các khóa trước về tương quan giáo dục, hoạt náo đơn vị và đời sống tâm linh

(5) Phân tách và thẩm định trách vụ Giám đốc Trung tâm nghỉ hè nghỉ lễ dưới khía cạnh hoạt náo, huấn luyện trưởng, và quản trị (6) Làm cho phong phú và sâu đậm hơn sự thiết lập một kế hoạch sư phạm ở trung tâm nghỉ hè nghỉ lễ, trong khuôn khổ sinh hoạt HĐ, nhằm vào thành phần chỉ định và gồm có sự điều hợp toán lãnh đạo (7) Phân tách phương án giáo dục của Phong trào và cách khai triển đối chiếu với các dữ kiện thực tiễn của giới trẻ ở khu vực trách nhiệm.

            HHR có thể được cấp phát khi thỏa mãn tiêu chuẩn STAP, nhưng thực tế thì SDF thường thúc đảy qua CHAM, ít nhất là CHAM-1. Ngoài ra, theo luật lệ riêng của Pháp, người điều khiển trại hay trung tâm nghỉ hè nghỉ lễ phải có chứng chỉ do Bộ Thanh Niên Thể Dục Thể Thao cấp : BAFA (đơn vị 20-40 trẻ em và trại dưới 7 ngày) hay BAFD (nhóm 80-120 trẻ em, trại dài ngày). Nhân số đông hơn thì phải có thêm cấp BAFD theo tỷ lệ 1/120, với một số BAFA trợ lực theo tỷ lệ 1/40.

           Các khóa STIP-STAP thỏa mãn tiêu chuẩn BAFA, rồi CHAM.1 tiêu chuẩn BAFD. CHAM.2 có tiêu chuẩn BAFD chuyên luyện : BAFD chỉ có hiệu lực 5 năm, phải dự một khóa chuyên luyện khác nếu muốn tái hạn. Thành thử trưởng SDF có HHR/BAFD đương nhiên cứ 5 năm lại trở về trại trường để hiện đại hóa sự hiểu biết.

           Duy SDF được Bộ Thanh niên ủy quyền cấp chứng chỉ BAFA và BAFD. Những hội khác trong Liên hội phải nạp hồ sơ xin thỏa hiệp trước khi mở khóa ; chứng chỉ sẽ do Bộ Thanh niên cấp sau khi thanh tra trại học và kiểm soát kết quả phù hợp tiêu chuẩn ấn định.

            SDF còn trù liệu một hệ thống huấn luyện liên tục (permanent training) bằng những trại cuối tuần trình bày phương thức huấn luyện chuyên môn, gọi là khóa CRAFTS, chuyên biệt hơn POLYCRAFTS (bao quát đủ mọi khía cạnh của kỹ thuật).

Mục tiêu là

(1) Biết thủ thuật chính, những dụng cụ và chất liệu cần thiết

(2) Tổ chức và hoạt náo những hoạt động hợp với lứa tuổi

(3) Phát triển khả năng sáng tạo và dung hợp

(4) Nhận biết các khía cạnh giáo dục trong sự thể hiện một hoạt động kỹ thuật

(5) Lãnh hội những khái niệm cơ bản cần thiết trong việc truyền thụ cách khéo tay (savoir-faire/know-how).

Mỗi Vùng có một Trung tâm Hoạt náo và Huấn luyện Kỹ thuật HĐ. Có mục ục kê những khóa (module) sẵn sàng tổ chức ở mỗi Trung tâm, chẳng hạn như về Nghệ thuật sống ở trại (Campi-Crafts), nghề rừng (Wood-crafts), vệ sinh (Sani-Crafts) ; nghệ thuật Diễn Tả (kịch, vũ, - Truyền Thông có nhiếp ảnh (Diapo và Photo-Crafts), vidéo, lửa trại, hội thảo ; về Thiên Nhiên - Môi Trường có thiên nhiên (Nature-Crafts), vẽ bản đồ (Topo-Crafts), thuật hàng hải (Nauti-Crafts) ; v.v... Điểm đặc biệt là chiếu theo bản kê, các toán lãnh đạo (liên đoàn, tỉnh, vùng, trung tâm sinh hoạt HĐ) có thể đặt Trung tâm tổ chức khóa Crafts muốn học hỏi vào cuối tuần lựa chọn, nếu Vùng không trù liệu mở khóa đó trong lịch huấn luyện.

            Từ 1986, SDF tung ra công thức Đại Học Hè (Summer University) tổ chức ở trại trung ương Jambville một tháng ròng, nằm trong chương trình huấn luyện liên tục và chủ yếu gồm có các khóa đào tạo trưởng các cấp (STAP, CHAM)và trưởng huấn luyện (STAF, STIF, sẽ nói sau), những Làng Chủ Đề (Topics Villages) và những hội thảo hội luận trong khuôn khổ Phòng Thí Nghiệm Ngành (Branch Laboratory).

Mục tiêu là

(1) Cống hiến cho Trưởng các cấp sự huấn luyện liên tục thích hợp với nhu cầu cá nhân và định hướng sư phạm của Phong trào

(2) Xác định nền HĐ hiện đại của chúng ta theo cá tính riêng và theo xã hội cuối thiên niên kỷ : một nền HĐ liên đới và chủ động trong một thế giới cần tạo dựng

(3) Sống và thực hành chiều sâu quốc gia và quôc tế của HĐ

(4) Cống hiến địa điểm đặc ưu về trao đổi, nghiên cứu và sản xuất

(5) Đào sâu một câu hỏi, một chủ đề liên hệ đến sứ mệnh và chương trình hoạt náo của toán Trưởng lãnh đạo mình là thành viên hay nhân vật điều khiển.

           Trưởng phụ trách đơn vị Nhi (Sarabande) - lứa 6-8 tuổi, bắt đầu nhập cuộc từ thập kỷ 70 nhưng vẫn coi là phương án giáo dục mở rộng (extension) không phải Ngành - được đào tạo tại chỗ bằng thực hành trong thời gian 2 năm, năm đầu là phần căn bản, năm thứ hai là thâm cứu sư phạm. Dành cho người trưởng thành (trên 22 tuổi), chú trọng thu hút phụ huynh muốn chung sức với các chủ gia đình khác cùng giáo dục con nhỏ. Do cấp Vùng đảm trách, căn cứ theo phương án và sinh hoạt do Bộ Tổng ủy viên ấn định.

            Cuối cùng là hệ thống đào tạo Trưởng Huấn Luyện để phụ trách các khóa STIP, STEN, STAP,... và những chương trình huấn luyện liên tục. Dành cho trưởng từ cấp liên đoàn và ủy viên cấp tỉnh, vùng, trung ương đang hay sẽ đảm trách công tác huấn luyện, đã qua một khóa CHAM. Tuổi tối thiểu : 22. Hai khóa STAF (Phụ tá Huấn luyện - ALT 3 gỗ) và STIF (Trưởng Huấn luyện - LT 4 gỗ).

Khóa STAF.-

Thời gian : 10 ngày trại. Trục huấn luyện gồm có :

(1) Sự lãnh hội –

a/ nhu cầu huấn luyện của các trưởng HĐ –

b/ Nguyên tắc huấn luyện lứa tuổi 18-25 –

c/ Nguyên tắc huấn luyện người trưởng thành –

d/ Phương án huấn luyện SDF

(2) Khả năng giao tiếp –

a/ Động lực nhóm (group dynamic) –

b/ Đối thoại và hỗ trợ -

c/ Điều hành một toán huấn luyện –

(3) Khả năng kỹ thuật –

a/ Kỹ thuật tích cực để huấn luyện –

b/ Hoạt náo một toán huấn luyện –

c/ Các trò chơi huấn luyện –

(4) Khả năng lập kế hoạch –

a/ Chỉ định mục tiêu –

b/ Soạn một chương trình huấn luyện –

c/ Tổ chức và kế hoạch hóa những hành động huấn luyện –

d/ Thẩm định hành động huấn luyện –

(5) Khả năng thực hiện –

a/ quản trị nguồn nhân sự trưởng thành –

b/ quản trị nguồn phương tiện vật chất –

c/ quản trị các hành động huấn luyện.

Khóa STIF.-

Thời gian : 10 ngày trại. Thành phần SDF là các trưởng đã qua STAF đang giữ trách nhiệm chủ yếu về huấn luyện cấp tỉnh, vùng và trung ương, được thỏa hiệp của Uy viên Vùng và Uy viên Huấn Luyện toàn quốc chấp nhận.

Khóa STIF lại là khóa quốc tế, đón nhận trưởng huấn luyện các hội HĐ ngoại quốc (do Ưy viên Quốc tế chuyển phiếu ghi danh), nên luôn luôn mở trong khuôn khổ Đại học Hè.

Mục tiêu là :

(1) Lãnh hội chính sách hoàn vũ về sự quản trị nguồn nhân sự trưởng thành

(2) Nhận biết tầm vóc quốc tế của sự huấn luyện trưởng trong Phong trào

(3) Thiết lập dụng cụ để nhận biết và phân tách các nhu cầu

(4) Thiết lập một hệ thống huấn luyện ngõ hầu có thể xây dựng kế hoạch huấn luyện toàn quốc và từng vùng

(5) Lãnh hội các phương tiện và dụng cụ hoạt náo trong công tác huấn luyện ở vị trí khóa trưởng.

            Tổ chức huấn luyện SDF theo hệ thống dọc gồm các Toán HL trung ương, vùng, và tỉnh. Khác với tổ chức Gilwell xưa kia, Uy viên HL trong cơ cấu toàn quốc SDF, theo nguyên tắc HĐ Hoàn Vũ ấn định từ thập kỷ 80, không phải là người giải thích và giữ giềng mối khai triển các nguyên lý HĐ : đó là phần vụ chung của Bộ Tổng ủy viên.

Uy viên HL cùng các Trưởng HL, tổng quát, là những người chuyên trách tổ chức, quản trị, điều hành và kiểm soát công tác huấn luyện trưởng, Công tác này có mục tiêu ưu tiên là khiến trưởng HĐ trực tiếp với trẻ, tức là trưởng và phụ tá đơn vị, hiểu rõ cùng đích và phương án giáo dục của hội ; biết thể hiện phương án, biết xử dụng các trợ cụ và làm cho những hành động giáo dục thêm phần hiệu lực, thích ứng với hoàn cảnh địa phương, nhu cầu ước vọng của lứa tuổi và của từng đoàn sinh ; nói chung, khiến trưởng HĐ mọi cấp thấu hiểu trách nhiệm cùng vị trí giáo dục của mình, lãnh hội khả năng thi hành nhiệm vụ với kết quả tốt.

            Cũng như các trách vụ HĐ khác, trách vụ huấn luyện được SDF quan niệm trong tinh thần đồng đội từ cấp trung ương đến địa phương. Cho nên SDF ưa dùng danh hiệu Hoạt náo viên (animator) thay vì Trưởng Lãnh đạo/Chỉ huy, và nhấn mạnh tới nguyên tắc này trong nội dung huấn luyện khi đề cập đến phương pháp HĐ.

            Phương thức huấn luyện SDF thời hiện đại giảm thiểu sự thuyết giảng, lại khuyến khích và coi trọng sự đóng góp của khóa sinh căn cứ ở kinh nghiệm sống, sự trao đổi giữa huấn luyện viên và khóa sinh , giữa các khóa sinh với nhau. Nếp sống và tập tục ở trại huấn luyện cũng thay đổi, phù hợp hơn với hiện tình xã hội, trình độ kiến thức và tâm trạng của lứa tuổi trưởng thành ở Pháp.

           Có thể nói rằng nền tảng huấn luyện của SDF khai triển đúng định hướng và tiêu chuẩn căn bản do Tổ chức HĐ Hoàn Vũ ấn định, có nhiều khía cạnh tiền tiến và khai phá. Đối chiếu thì nền tảng huấn luyện của HĐ Canada, HĐ Úc, còn nhiều sắc thái biểu lộ sự dùng dằng chưa dứt khoát vượt khỏi mô hình Gilwell sáng chế từ đầu thập kỷ 20. Nguyên nhân phỏng đoán là mối ràng buộc tinh thần và văn hóa với Anh quốc, cộng thêm phần nào phản ứng tự ái chia xẻ với HĐ Anh, từ thập kỷ 70 không còn giữ vai trò thừa kế Baden Powell lãnh đạo Phong trào và hệ thống huấn luyện trưởng trong Tổ chức Hoàn Vũ.

 ***

            Thiết tưởng tiện dịp nên đề cập sơ qua lãnh vực huấn luyện trong Phong trào HĐVN. Hầu hết đơn vị nhận là thành viên Phong trào đã ký danh sinh hoạt trong một hội HĐ bản địa (ngoại lệ duy nhất là Chi nhánh Pháp, được thừa nhận là một hội trong liên hội quốc gia). Vì không phải là một tổ chức HĐ (hội) lại ở vị trí bao gồm nhiều nước, Phong trào HĐVN không có trách nhiệm, không có thẩm quyền, và thực ra không chủ trương thiết lập hệ thống huấn luyện trưởng dẫn tới HHR/HĐVN. Ở đây cần mở ngoặc nói cho rõ : những khóa Tùng Nguyên thuộc hệ thống huấn luyện của HĐ Canada ; HHR và chứng chỉ cấp 1 cấp 2 Trưởng Huấn luyện đã do HĐ Canada cấp theo tiêu chuẩn của hội. Khóa Tùng Nguyên, dù có Khóa trưởng VN, vẫn không thể gọi lầm là khóa huấn luyên HĐVN.

            Như thế, trưởng VN ở mỗi xứ cần hoàn tất chương trình huấn luyện do HĐ bản địa ấn định để chứng tỏ đủ tiêu chuẩn và khả năng đảm đương trách nhiệm, không khác trưởng gốc bản địa. Nếu có nhu cầu (đông dự trưởng, trưởng cũ mới ly hương, chưa thạo ngôn ngữ xứ định cư) và điều kiện thuận tiện (đủ nhân sự Trưởng Huấn luyện tại chỗ), Ban Thường vụ Hội đồng Trung ương sẽ hỗ trợ Chi nhánh tổ chức khóa HHR, dĩ nhiên với thỏa hiệp của HĐ bản địa. Nhưng theo trình độ hội nhập hiện thời của thế hệ 21-25, khóa HHRViệt ngữ đã kém thiết yếu và hết là mối bận tâm chung.

            Trách nhiệm huấn luyện của HĐVN có tính chất chuyên biệt, ở ngoài hệ thống HHR : khiến trưởng nhận thức tầm quan trọng và lãnh hội khả năng giáo dục trẻ về văn hóa và truyền thống Việt Nam, theo nhịp độ thích hợp với sự thâu thập kiến thức văn hóa và truyền thống bản địa. Nền giáo dục toàn diện của HĐ không thể nào gạt bỏ phần liên quan đến thân phận và nguồn gốc, nếu khiếm khuyết có thể làm nội tâm bị thương tổn và gây ảnh hưởng bất lợi cho sự phát triển quân bình của trẻ. Mặt khác, cộng đồng HĐ quốc gia và hoàn vũ tôn trọng nhân phẩm nhân quyền, phải được xây dựng trên căn bản tự do bình đẳng, đa sắc tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo. Cho nên sự hiện hữu của Phong trào HĐVN được tiếp nhận với cảm tình bởi Tổ chức Hoàn Vũ và các hội quốc gia ; sự kiện cơ cấu lãnh đạo Phong trào phát triển phương án mẫu để giáo dục văn hóa truyền thống, rồi chọn phương thức huấn luyện trưởng áp dụng phương án sẽ không gặp cản trở nào và còn được hoan nghênh giúp đỡ là khác.

            Phương thức thuận tiện có lẽ là những trại cuối tuần hay nghỉ lễ vài ngày, cộng với một số buổi họp, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt văn hóa (cultural activities) ở từng khu vực dễ tập trung ; bổ túc bằng sự thiết lập những xưởng, những nhóm nghiên cứu và thử nghiệm. Hệ thống này gần cận với hệ thống huấn luyện liên tục của SDF trình bày ở trên, xin nêu ra mong đón nhận ý kiến. Nội dung huấn luyện tùy thuộc sự ấn định phương án hoặc tiêu chuẩn mẫu do Hội đồng Trung ương, ngoài phạm trù bài này.

                                                                        Voi Già - Paris 1997

PHỤ CHÚ :

            Bài này trình bày hệ thống tổ chức Huấn Luyện Trưởng cấp quốc gia của HĐ Công Giáo Pháp ở giai đoạn cuối thiên niên kỷ 1 (thế kỷ 20). Qua thiên niên kỷ 2, đại cương không có thay đổi gì quan trọng, ngoại trừ hiện thời những danh hiệu như STIP – STAP – STEN, v.v… ít hay không nhắc đến nữa.

            Sự thay đổi hiều là nội dung chương trình giảng tập các khóa, các đề mục. Trọng tâm là khai thác những kết quã nghiên cứu tâm lý, giáo dục, xã hội, trọng tâm là khuynh hướng có thể hấp dẫn sự tìm hiểu khám phá của từng lứa tuổi trẻ, song hành đối chiếu với những thay đổi ở học đường (tiểu, trung và đại học) cả về phương pháp truyền thụ cùng thực hành.

            Trong địa hạt đào tạo trưởng HĐ, SDF luôn ở vị trí hàng đầu trong Tổ Chức HĐTG. Nhiều đề nghị của SDF đã được PT-HĐTG chấp nhận áp dụng, tỉ dụ SDF đã dẫn đầu trào lưu phản ảnh tiến bộ xã hội ở thời điểm, áp dụng thích nghi trong nền giáo dục và tổ chức sinh hoạt nam nữ chung cũng như ở học đường của Pháp và nhiều nước Âu Châu.

            Sự đối chiếu và tìm hiểu cặn kẽ đủ chi tiết nay hơi khó, vì người viết sau khi trao lại trách vụ Hội Trưởng kiêm Tổng Ủy Viên CN Pháp (1994), không còn điều kiện và tư cách tiếp xúc, đặt câu hỏi hay yêu cầu cho chứng kiến/tham dự để học hỏi với Bộ TUV và Ban HL-SDF, trách nhiệm mà những người kế tiếp phụ trách phần vụ quan trọng đó ở CN Pháp đã buông trôi, hoặc phó mặc cho người được cắt cử tùy tiện hành động theo mưu cầu và sở thich riêng.

            Ngoài ra, SDF nay không còn bộ phận tu thư và xuất bản phong phú do eo hẹp tài chính (nguồn tài trợ của ngân sách quốc gia bị cắt giảm đến mức tối thiểu). Những tài liệu (thủ bản, báo Ngành, báo chung của hội, v.v…) nay phải vào trang SDF trên mạng lưới điện tử để truy cập. Những phần chuyên biệt phải có mật mã mới mở coi được ; mật mã lại giới hạn sự truy cập theo cấp và trách vụ đương sự.

                                                                   Voi Già – Paris 2012