langhuehd 125x50

Đặc-Điểm Của Khóa Huy-Hiệu-Rừng cho Thế-Kỷ Thứ 21

1. Chủ-Đích Khóa 

Khác với nội-dung của khóa Huy-Hiệu-Rừng cũ (trước 2001) (Kể từ nay viết tắt HHR có nghĩa là HHR cho Thế-Kỷ Thứ 21) và khác với quan-niệm của nhiều người, chủ-đích của khóa HHR không phải là khóa huấn-luyện các trưởng về kỹ-thuật cầm-đoàn, cũng không phải huấn-luyện về tài tháo-vát hay phát-triển năng-khiếu.

 

Hướng-Đạo Hoa-Kỳ (HĐHK) có những khóa chuyên-biệt riêng (xin xem thêm http://hd.langhue.org, phần Nghiên-Cứu Huấn-Luyện)

  • Về cầm-đoàn: Các khóa chuyên-ngành (Leader Specific) tùy vai-trò trách-nhiệm.

    Wood Badge Logo

  • Kỹ-năng, chuyên-môn như: Các khóa về đời-sống ngoài-trời khóa như Oudoor Leader Skill, Baloo. Cắm-trại mùa đông.
  • Các khóa về bảo-vệ trẻ em và các khóa về an-toàn.
  • Các khóa về trò-chơi, hát hò, thủ-công, vv… và nhiều khóa khác thường được tổ-chức hằng năm do Châu (Council) hay trong các buổi Họp Hàng Tháng của Đạo (District Roundtable)

Chủ-đích của khóa HHR nói một cách chính-xác là khóa huấn-luyện Lãnh-Đạo cho Hướng-Đạo và Lãnh-Đạo cho Quốc-Gia Hoa-Kỳ (Leadership for Scouting - Leadership for America). Đơn giản hơn có thể gọi là khóa “Huấn-Luyện Lãnh-Đạo”. Điều này không có nghĩa khóa HHR đào-luyện những người lãnh-đạo quốc-gia hay lãnh-đạo cho phong-trào HĐ, nhưng phải hiểu tổng-quát là giúp khóa-sinh hiểu, có cơ-hội thực-tập để trở thành những người lãnh-đạo trong chính cương-vị của mình. Những kỹ-năng học được có thể áp-dụng ngay trong gia-đình, trong sở làm, trong hội-đoàn và trong Hướng-Đạo.

Khóa HHR cũng không phải chỉ đào-luyện những trưởng cầm-đoàn trực-tiếp như quan-niệm cũ, nhưng cho tất cả mọi thành-viên của HĐHK trong mọi trách-vụ trong Châu, Đạo hay Quốc-Gia kể cả các người làm việc chuyên-nghiệp của Hội Nam HĐHK. Chính vì thế khóa-sinh không nhất thiết phải là trưởng đang trông-coi hay phụ-tá đơn-vị với nhiều kinh-nghiệm mới cần hay được đi học. Đương nhiên người ghi-danh tham-dự phải có một số điều-kiện như phải là thành-viên HĐHK, trên hay bằng 18 tuổi và đã học một số khóa căn-bản khác.

2. Kinh-Nghiệm Huy-Hiệu-Rừng (Wood Badge Experience)

Nếu tìm trên mạng (Web), ai cũng có thể lấy về thủ-bản Huấn-Luyện HHR và đọc. Dù có đọc nhiều lần đi chăng nữa, có thể có một số điều học được qua phần lý-thuyết, nhưng không bao giờ có thể cảm-nhận và học-hỏi những kinh-nghiệm của khóa. Mỗi khi nghe hoặc nhìn thấy chữ “khóa huấn-luyện” là chúng ta liên-tưởng đến một lớp học với những bài-giảng dài liên-tục mà chúng ta ngồi nghe. Riêng trong khóa HHR, chương-trình bao gồm những hoạt-động, những trò chơi, những đoạm phim ngắn, kể cả xem hết phim October Sky. Những bài lý-thuyết, mặc dù gọi là lý-thuyết những cũng có những hoạt-động nhỏ liên-quan đến bài giảng-dậy. Tất cả bài thuyết-trình, những giờ sinh-hoạt, những trò-chơi trong khóa có tích-cách liên-tục, thứ-tự và liên-quan với nhau.

Chương-trình các khóa HHR trên toàn quốc đều giống nhau, nhưng mỗi khóa có những điểm đặc-biệt riêng. Lấy ví-dụ trò chơi “Win All You Can” (Thắng Tất Cả mà Các Anh Có Thể) mà khóa sinh Tùng-Nguyên VII lần đầu tiên tôi mới nghe thấy dùng chữ “Thổi Vỡ Tung Óc” (Mind-Blowing ) để diễn-tả trò chơi làm đảo ngược sự suy-nghĩ của mỗi người và không có một khóa nào giống khóa nào. Phần đúc-kết sau trò chơi cũng như hệ-quả của trò chơi này có thể nói hoàn toàn khác nhau trong mỗi khóa và trong mỗi người.

Chỉ có ai tham-dự khóa HHR mới có và học được “Kinh-Nghiệm Huy-Hiệu-Rừng”. Khóa-sinh thì học được kinh-nghiệm của khóa-sinh, trưởng trong ban huấn-luyện thì học được kinh-nghiệm trong vai-trò nhiệm-vụ của mình.

3. Phục-Vụ Khóa Huy-Hiệu-Rừng

Phải thành-thực mà nói người Việt chúng ta ít bộc-lộ ra ngoài nhất là viết ra những cảm-xúc của mình. Khi được mời phục-vụ cho một khóa huấn-luyện, mặc dù trong lòng rất cảm thấy hãnh-diện nhưng chỉ thường ngỏ lời cám-ơn. Ngược lại đối với trưởng người Mỹ, được mời phục-vụ trong ban huấn-luyện HHR là một vinh-dự. Một người trưởng đã viết thư trả lời sau khi được mời “I’m so excited.  I also feel very honored to have been chosen”, tạm dịch: “Tôi rất xúc-động. Tôi cũng cảm thấy rất vinh-dự được chọn”.
(Viết điều này tôi muốn chia sẻ đến các trưởng gốc Việt nếu sau này được mời tham gia trong ban huấn luyện khóa HHR nhất là với các khóa địa phương nên để ý.)

4. Tinh-Thần Phục-Vụ

Trong các sinh-hoạt Hướng-Đạo, có lẽ không có sự phục-vụ nào vất-vả cho bằng sự phục-vụ trong ban huấn-luyện của các khóa Huy-Hiệu-Rừng.

  • Tự-Nguyện
    Khi nhận lời mời tham-gia trong ban huấn-luyện, người trưởng đã tự cam-kết hy-sinh nhiều ngày nghỉ việc để phục-vụ trong khóa, nhiều ngày giờ sinh-hoạt và thực-tập với ban huấn-luyện, chưa kể dành nhiều thì giờ để chuẩn-bị riêng, soạn-thảo và tự-thực tập các bài thuyết-trình ở nhà. Đa số các khóa HHR, người trưởng cũng phải đóng-góp tài-chánh như những trại-sinh.
  • Nhận Trách-Nhiệm
    Thông thường thì khi mời, người khóa-trưởng luôn cho biết trách-vụ trong khóa, nhưng hầu như khi nhận lời các trưởng cũng hiểu rằng đôi lúc vì nhu-cầu, trách-vụ trong khóa cũng có thể thay đổi.

    Để biết thêm
    Một trưởng chỉ làm khóa-trưởng được một lần. Có nhiều Châu (Council) không cho mời các cựu khóa-trưởng phục-vụ các khóa HHR kế tiếp, nhưng cũng có những Châu không có quy-định này và tùy thuộc lời mời gọi của khóa-trưởng (mới). Lẽ đương-nhiên người cựu khóa-trưởng cũng chỉ nhận những nhiệm-vụ bình-thường như những trưởng trong ban huấn-luyện khác nếu được mời. Với tinh-thần yêu thích huấn-luyện, nhiều cựu khóa-trưởng vẫn còn quay về để giúp khóa mới. Đã có cựu khóa-trưởng đi phụ bếp nấu ăn, có những cựu khóa-trưởng nhận làm những công-việc lao-động. Trong Tùng-Nguyên VII có cựu khóa-trưởng người Mỹ chính gốc nhận lời trong vai-trò Hướng-Dẫn-Đội. Thường thì phụ bếp và Hướng-Dẫn-Đội là hai trách-nhiệm cho các trưởng lần đầu-tiên đi phục-vụ của một khóa HHR. Điểm đáng nói ở đây là những người cựu khóa-trưởng cũng rất vui-vẻ, cũng vinh-dự được mời và quan-trọng nhất là phục-vụ giới-hạn đúng với trách-vụ của mình trong khóa mới, không hề đặt vấn-đề “người đã có kinh-nghiệm” hay “người vai trên”, và không hề nói về khóa cũ mà mình đã chịu trách-nhiệm. Tuy nhiên người khóa-trưởng (mới) có thể hỏi ý-kiến riêng nếu cần.

    • Tùng-Nguyên VI có 3 cựu khóa-trưởng, Tùng-Nguyên VII 4 cựu khóa-trưởng. Khóa người Mỹ gốc Hoa năm 2012 có đến 5 cựu khóa-trưởng.

  • Hết Lòng Phục-Vụ
    Đối với khóa HHR, không có trách-vụ nào mà không quan-trọng. Các trưởng với các trách-vụ thông-thường mà khóa-sinh luôn nhìn thấy vì gần-gủi đi sát với khóa-sinh là đội-trưởng-nhất, huớng-dẫn-đội và khóa-trưởng. Các trưởng đảm-trách những nhiệm-vụ hỗ-trợ khóa cũng làm việc không kém như Thư-Ký, Thủ-cụ, Nấu ăn và các trưởng phụ-giúp kể cả phụ-giúp nấu ăn. Có thể nói tất cả trưởng trong ban huấn-luyện làm việc hết sức mình để cho khóa được thành-công.

  • Phục-Vụ Khóa Huy-Hiệu-Rừng Tùng-Nguyên

Phục-vụ trong các khóa Tùng-Nguyên còn cực-nhọc, khó-khăn và hy-sinh hơn nhiều.

  • Trại liên tục 6 ngày, không có được những tuần nghỉ như những khóa được chia làm 2 kỳ cuối tuần cách-quãng.
  • Dù đi làm hãng hay là chủ, việc nghỉ nhiều ngày liên-tục không phải là một chuyện dễ-dàng. Nghỉ nhiều ngày nhưng nghỉ nhiều lần, mỗi lần vài ngày thì xin nghỉ dễ-dàng hơn.
  • Địa-điểm của mỗi khóa Tùng-Nguyên có khi quá xa-sôi cho một số trưởng, phải tự-túc bỏ tiền túi mua vé máy bay hay phải lái xe đi xa mất nhiều thời-gian hơn. Công việc đưa-đón trưởng trong ban huấn-luyện và đưa-đón khóa-sinh ở xa cũng là một vấn-đề.
  • Trại không phải là nơi thường-xuyên tổ-chức các khóa HHR của Châu hay Liên-Châu, mọi tiện-nghi có sẵn cho việc huấn-luyện, nên việc chuẩn-bị, xây-dựng, chuyên-chở vật-dụng huấn-luyện, thực-phẩm tốn nhiều thì giờ và công-sức.

5. Khóa-Trưởng Một Lần

Hướng-Đạo Hoa-Kỳ chỉ cho phép một người làm khóa-trưởng một lần duy-nhất trong đời, có lẽ vì ba lý-do chính (theo sự suy nghĩ của tôi)

  • Lý-do 1: Hướng-dẫn và giúp-đỡ phát-triển
    Người đời và nhất là HĐHK thường nói “học bằng cách thực-hành” (learning by doing).
    Phải chăng HĐHK muốn nhiều người có cơ-hội học-hỏi, trau-dồi kinh-nghiệm, nếu không tạo dịp cho người khác được “hành” thì một người sẽ không bao giờ có cơ-hội học-hỏi.
    Hơn thế nữa, người khóa-trưởng được khuyến-cáo nên chọn 1/3 người mới chưa bao giờ giúp khóa HHR tham-gia vào ban huấn-luyện. Đó cũng là điều khuyến-khích giúp một trưởng phát-triển (?)

  • Lý-do 2: Tránh cho người khóa-trưởng quá nặng gánh nhiều lần
    Thông thường người được tuyển-chọn trong trách-vụ khóa-trưởng được báo trước hơn một năm để chuẩn-bị.
    Công việc của một khóa-trưởng trước mặt khóa-sinh trông có vẻ nhẹ-nhàng nhưng thực-tế có rất nhiều việc từ lúc chuẩn-bị cho đến khi kết-thúc. Mặc dù mỗi trưởng trong ban huấn-luyện đều có trách-nhiệm riêng nhưng khóa-trưởng hoàn-toàn chịu trách-nhiệm của khóa. Cũng may mà các trưởng trong ban huấn-luyện đều hiểu mọi quyết-định của khóa-trưởng có tính-cách chung-cuộc nên các khóa HHR thường được diễn-tiến một cách luôn suông-sẻ.

  • Lý-do 3: Tạo cho khóa đạt được tiêu-chuẩn và thành-công cao
    Có lẽ đây là điều chính vì chỉ được trao trách-nhiệm khóa-trưởng một lần duy-nhất, nên khóa-trưởng nào cũng luôn mong muốn cho khóa mình chịu trách-nhiệm đạt được sự thành-công tối đa, từ việc chọn trưởng cộng-tác trong ban huấn-luyện, đến việc theo dõi các đề-tài, nội-dung, chương-trình, cách thuyết-trình hay hướng-dẫn trong thời gian ban huấn-luyện sinh-hoạt và thực-tập, tất cả cần phải được chuẩn-bị thật kỹ-càng.

6. Những khó-khăn của người khóa-trưởng

Công việc nào cũng có sự khó-khăn riêng, nhưng qua kinh-nghiệm, có lẽ có hai sự khó-khăn nhất.

  • Khó-khăn 1: Việc chọn mời trưởng phụ-tá
    Mời một trưởng cộng tác không phải là chuyện dễ. Trưởng được mời phải có thì giờ, phải hy-sinh và phải đóng tiền như khóa-sinh, vừa nghỉ bỏ công ăn việc làm hay mất nhiều ngày nghỉ, thêm vào đó lúc ở nhà còn phải chuẩn-bị bài vở để giảng-dậy hay suy-nghĩ sắp-xếp công-việc sẽ phải làm trong thời-gian chuẩn-bị và trong thời-gian khóa-học.

    Người khóa-trưởng thường là người sinh hoạt HĐ nhiều năm, quen biết nhiều trưởng khác, giờ đây biết mời ai, không mời ai bây giờ? Đặc biệt Tùng-Nguyên là khóa do Châu Quốc-Gia (National Council) tổ-chức, người khóa-trưởng khôn-khéo cố-gắng mời mỗi vùng một số trưởng. Mỗi vùng nên mời bao nhiêu trưởng? Bao nhiêu trưởng không phải gốc Việt nên mời để có sự đa-dạng của khóa? Có trưởng tỏ ý muốn tình-nguyện tham-gia mà mình không dám mời, không phải họ không có khả-năng, nhưng và nhiều cái nhưng khác…

    Bao nhiêu trưởng phụ-tá cho đủ, không ít cũng không nhiều để tránh tình-trạng thiếu trưởng phục-vụ. Nếu mời nhiều trưởng phụ-tá quá, đến lúc khóa gần kề phải buộc lòng cắt giảm một số trưởng vì số khóa-sinh ít hơn như dự-đoán. Ngược lại, trường-hợp lúc chót có nhiều khóa-sinh hơn, việc mời thêm phụ-tá cũng không phải dễ-dàng vì thời-gian gần kề, khó có thể xin được nghỉ. Ấy là chưa kể lúc chót một vài trưởng thay-đổi việc làm và chủ hãng mới không cho nghỉ, khóa-trưởng lại mời thêm trưởng khác để thay-thế.

    Khó khăn hơn nữa là biết nhờ người trưởng đó nhiệm-vụ gì. Có trưởng sẵn sàng cộng-tác trong trách-vụ nào cũng được, có trưởng thì thích-hợp trong một vài trách-vụ nào đó thôi.

  • Khó-khăn 2: Quyết-Định
    Trong bất cứ tổ-chức nào hay một chương-trình nào, người chịu trách-nhiệm chính cũng phải có những quyết-định. Ngoài nội-dung của khóa HHR theo thủ-bản huấn-luyện phải tuân theo, việc điều-hành khóa hoàn-toàn do quyết-định của khóa-trưởng, do đó mỗi khóa đều có những nét đặc-biệt riêng. Người khóa-trưởng lúc nào cũng phải chuẩn-bị và sẵn-sàng để lúc cần phải đưa ra những quyết-định.

    Thời-gian trước khóa có nhiều nhu-cầu và có nhiều sự-việc cần làm. Nhất là các khóa Tùng-Nguyên, các trưởng trong ban huấn-luyện đến từ các Châu (Council) khác nhau, cách thức tổ-chức khóa HHR của mỗi Châu có những khác biệt hay “truyền-thống” riêng, nên sự khác biệt về cách làm việc hay đề-nghị của các trưởng trong ban huấn-luyện tương-đối nhiều hơn. Khóa-trưởng là người quyết-định, kết-hợp và hòa-đồng những sự khác-biệt.

    Thời gian trong khóa, có thể có nhiều diễn-biến không ngờ trước được, có những việc khóa-trưởng cần quyết-định ngay nhưng cũng có những việc có thể đưa vào buổi họp chung mỗi tối với ban huấn-luyện. Đôi khi khóa-trưởng chỉ bàn riêng hay họp riêng với các trưởng chính hay với đội-trưởng-nhất hoặc bàn riêng với các ban ngành, bàn với Cố-Vấn, Tư-Vấn trước khi quyết-định. Quyết-định ảnh hưởng đến một khóa với toàn người lớn không phải lúc nào cũng là việc dễ-dàng.

7. Thêm về vai trò khóa-trưởng.

Nguời khóa-trưởng của khóa HHR đóng một lúc trong ba vai trò:

  • Khóa-Trưởng: Trong các thủ-tục hành-chánh và nội-dung huấn-luyện của khóa-học.
  • Trại-Trưởng: Đời-sống, tiện-nghi và chương-trình của toàn thể khóa-sinh và ban huấn-luyện.
  • Thiếu-Trưởng Thiếu-Đoàn Gilwell Số 1: Khóa HHR dùng hình-thức của một Thiếu-Đoàn kiểu-mẫu. Điều-hành sinh-hoạt của một thiếu-đoàn thực-sự được trao cho các em mà “em” Đội-Trưởng-Nhất là người đứng đầu trách-nhiệm. (HĐHK dùng chữ “Boy Led Troop” (Các em dẫn Đoàn)). Người Thiếu-Trưởng có thể nói là người đứng đàng sau và làm việc riêng với Đội-Trưởng-Nhất. Ngoại trừ những lúc nghỉ giải-lao hay trong lúc ngồi ăn chung bàn với khóa-sinh, trong suốt khóa và trước mặt khóa-sinh, người khóa-trưởng rất ít nói và chỉ nói lúc cần trong vai trò Thiếu-trưởng, ví-dụ như “Câu chuyện Dưới Cờ, nghi-thức phong-nhậm đội-trưởng”, vv…

Trần Văn Long

Ngày Lễ Tạ Ơn 2013
http:\\hd.langhue.org

__________

Tham khảo:

Thủ-bản huấn-luyện HHR (Wood Badge for the 21 st Century 2012, Administrative Guide and Staff Guide, 2011 Edition)