langhuehd 125x50

 

Tùng Nguyên Trong Tim Ta

 

 

Lần đầu tiên tôi đến Trại Trường vào năm 1971 (cùng khóa Thiếu với Đại đức Như Mãn & Linh mục Đoàn Thái Đức). Từ đó tôi lấy bút hiệu Tùng Nguyên và sau này đặt tên cho Sói đầu lòng của tôi cùng tên ấy, với ước muốn rằng nó sống mãi trong đời tôi và trong cả dòng họ tôi. Hằng năm, không lần nào lên ĐàLạt mà tôi không ghé Trại Trường thân yêu. Nơi đây, tôi đã có biết bao kỷ niệm trong đời, toàn là những kỷ niệm thân ái tuyệt vời.

 

Sau 1975, không có những khóa Huấn luyện Trưởng Hướng Đạo ở Tùng Nguyên… nhưng chúng tôi thường nhắc đến những kỷ niệm ở Trại Trường khi cùng chung sống với các Trưởng Tôn Thất Sam, Nguyễn Văn Luận, Nguyễn Chu Sơn, và Phạm Hữu Cương… là những người có nhiều gắn bó với Trại Trường (hai nhà tu thì không nói, còn lại hai Trưởng có gia đình cùng đặt tên con là Tùng Nguyên như tôi).

 

Bảy năm sau trở lại ĐàLạt, đến nhà Sư tử Đảm đương nghe nói đã đi trại xa (với Gấu Tận tâm, Hươu Thẳng thắn… hội ngộ với Voi Hoạt bát và Hổ Hiền hòa trong một khóa Huy hiệu Rừng ngành Tráng đặc biệt và kết quả là năm 1989 Trưởng Tôn Thất Sam đã phát khăn quàng Gilwell cho Sư huynh Phạm Quang Hồng – Hổ Hiền hòa, nay đã trở thành Linh mục – trong dịp đám cưới con của TUV Trần Văn Lược) thế là tôi đành một mình đi vào Tùng Nguyên, tìm lại dấu chân kỷ niệm.

 

Đến cổng trại, tôi lao thẳng vào đại lộ BP, chẳng thèm để ý đến Hồ Than Thở đã cạn khô, mồ cô Thảo đã mất dấu tích, những tàng thông xanh mướt năm nào được chăm sóc cắt ngọn, đã bị hạ xuống làm củi hoặc đã úa tàn. Minh Nghĩa Đường trang nghiêm đã trở thành hoang phế, nghe đâu đây tiếng vọng của Vịt Bể, của Ong Lắm mật, của Bò Lém, của Hoẵng Đa ngôn, của Sói Trầm lặng, của Cáo Vui vẻ, của Sư tử Đảm đương… các ngài đã một thời làm Chúa rừng này.

 

Rẽ sang chòi sinh hoạt, tìm mãi chẳng ra, chỉ thấy thấp thoáng bóng của Cò Yêu đời, Hươu Thẳng thắn, Sói Vui tươi, Voi hoạt bát, Beo Tin tưởng, Sói Mơ mộng đang oang oang giảng luật rừng: Trung tín và Thương yêu. Ngoảnh lại chỉ thấy những khúc gỗ vô tri bên tảng đá Hội đồng, nhưng vẫn nghe thấy tiếng cười của Sói Khiêm tốn, của Nai Điềm đạm, của Hạc

Kiên tâm, của Sơn ca Phiêu lưu. Đến Niệm Phật Đài nhớ Như Mãn, đi ngang bàn thờ nhớ Nguyễn Văn Luận, một đã chết một lưu lạc phương nào…

 

Bảy năm có bấy nhiêu ngày,

Mà trông cảnh vật đổi thay quá nhiều.

 

Mò xuống thung lũng lửa trại, cỏ dại mọc kín, cố bới tìm một chút tro tàn mà không thấy, chỉ nghe tứ bề vang vọng khúc hát Trại Trường của Thiên nga Tạo tác.

 

Trại trường! Trại trường rèn trang thanh niên

Núi đồi! Núi đồi tình thương vô biên

Thác reo! Thác reo nghe chăng lời khuyên

Bão bùng! Bão bùng giữ vững lái thuyền…

 

Vòng ngã sau ra hồ Mê Linh, đi ngang sân chào cờ, chợt nhớ Nguyễn Văn Thơ, Lê Mộng Ngọ, Lê Phỉ, Lưu Hồng Phúc, Trần Văn Hiến, Tôn Thất Hy… bây giờ tan tác mỗi người một nơi…

 

Tôi chợt thấy thấm thía hai chữ “Động Rừng”, lòng đau xót vô hạn và cảm thấy như đã mất mác tất cả những gì quý giá nhất… Đâu rồi “Lê Gia Ni Mô”, đâu rồi những Sóc Nhanh nhẹn, Beo Tin tưởng, Ngựa Lo xa, đâu rồi Hà mã Hồi tâm, Cú Hiền lành, Gấu Thản nhiên… cảnh cũ còn đây mà người xưa chẳng thấy. Tiếng cười, giọng hát còn vang vọng mà giờ Tùng Nguyên hiu hắt… Nhớ quay quắt, không phải nhớ vàng son cũ mà nhớ những phút quây quần bên ngọn lửa hồng… soi lòng.

 

Tôi quì xuống, hôn mảnh đất thân yêu mà lòng thổn thức, đôi mắt nhòa lệ…

 

Tùng Nguyên ơi! Tuy không giữ được Trại Trường, nhưng tên Tùng Nguyên vẫn sống mãi trong tim ta.

 

Cáo Lãng Tử 

(1982)