langhuehd 125x50

 Hướng Đạo và Giúp Ích

 Tinh thần giúp ích, là một trong những cái tốt mà trẻ học được khi tham gia sinh hoạt trong phong trào Hướng Đạo. Với tinh thần đó và nhằm thực hiện lời kêu gọi của vị sáng lập phong trào là Huân Tước Baden Powell rằng "hãy để lại cho thế giới này một chút gì tốt đẹp hơn là lúc ta đã tìm thấy nó" (leave this world a little better than you found it), hướng đạo sinh luôn cố gắng tập cho mình có thói quen mỗi ngày làm ít nhất là một việc tốt cho người khác. Hướng đạo sinh không phải chỉ làm việc tốt cho bạn bè hay người quen biết, mà còn cho cả những người xa lạ, đặc biệt là người già, phụ nữ, và trẻ nhỏ. Và điều quan trọng là hướng đạo sinh sẵn sàng làm việc tốt cho người cần giúp đỡ mà không bao giờ nhận sự đền đáp, trừ khi đó là một phần trong công việc mưu sinh của mình.

Theo Baden Powell, không cần phải giàu tiền của mới có thể làm việc tốt cho người khác. Việc tốt mà hướng đạo sinh thực hiện mỗi ngày cũng không cần phải là gì to tát, mà có thể chỉ là dẫn một bà lão hay một người khiếm thị băng qua đường, bỏ một đồng xu vào hộp quyên tiền cho người nghèo, nhặt miếng vỏ chuối nằm trên lối đi để người khác không bị trượt ngã, nhường chổ ngồi cho người lớn tuổi hay phụ nữ ở nơi công cộng, v.v...

Bên cạnh thói quen làm ít nhất một việc tốt mỗi ngày, hướng đạo sinh cũng được học hỏi nhiều kỹ năng hầu có thể "sắp sẵn," để vừa có thể tự lo cho mình và đồng thời giúp ích người chung quanh trong những tình huống khẩn cấp. Và cũng nhờ đó mà trong thời gian hơn một thế kỷ vừa qua từ lúc phong trào Hướng Đạo bổng chốc lan rộng khắp nơi trên thế giới, hướng đạo sinh vẫn luôn có mặt để giúp ích khi xảy ra tai nạn, hỏa hoạn, và thậm chí là khi có thiên tai hay thảm họa, mà vài trường hợp điển hình gần đây là cơn bảo Haiyan tại Phi Luật Tân năm 2013, và trận động đất tại Nepal vào năm 2015.

Vào tháng 11 năm 2013, cơn bảo Haiyan đã làm thiệt mạng ít nhất là 6 ngàn người tại Phi Luật Tân, và khiến hàng triệu người lâm cảnh màn trời, chiếu đất. Ngay sau đó, để thực hành lời tuyên hứa "giúp ích mọi người bất cứ lúc nào," hàng ngàn hướng đạo sinh thuộc Hội Hướng Đạo Phi Luật Tân từ những ngày đầu và trong suốt nhiều tháng tiếp theo, đã tình nguyện luân phiên có mặt tại nơi bị bão tàn phá để tham gia vào việc giúp đỡ đồng bào nạn nhân vượt qua khó khăn, phục hồi và tái ổn định cuộc sống.

Tại Nepal, ngay sau trận động đất với cường độ 7.8 Richter xảy ra hôm 25 tháng Tư, 2015 gây phá hủy nặng nề trên cả nước, Hội Hướng Đạo Nepal bằng mọi phương tiện đã lập tức huy động được khoảng 2,600 trưởng và tráng sinh tình nguyện tham gia các công tác tìm kiếm, cấp cứu và giúp đỡ những nạn nhân. Công việc tìm kiếm nạn nhân bị chôn vùi dưới các đống gạch vụng của hướng đạo sinh Nepal cũng đã được sự tiếp tay cấp thời của nhiều hướng đạo sinh đến từ hai nước láng giềng là Ấn Độ và Thái Lan.

Năm 2014, huớng đạo sinh Li-Băng (Lebanon) đã được chính phủ ca ngợi vì những đóng góp cho công tác giúp đỡ hàng chục ngàn người tị nạn Syria tràn đến Lebanon để chạy trốn chiến tranh. Trong thời điểm đó, hướng đạo sinh Lebanon đã tập trung giúp đỡ cho nhu cầu căn bản của những gia đình tị nạn đến từ nước láng giềng Syria, cung cấp vật dụng, quần áo mùa đông và đặc biệt giúp cho những trẻ em tỵ nạn cảm thấy thoải mái trong cuộc sống nơi vùng đất mới.

Riêng tại Việt Nam trong khoảng hai thập niên trước khi Hội Hướng Đạo Việt Nam bị giải thể do biến cố 30 tháng Tư 1975, sở dĩ người ta biết đến và yêu mến phong trào Hướng Đạo, không phải vì có nhiều người đảm nhận các chức vụ cao cấp trong chính quyền hay thành công trong xã hội vốn từng là hướng đạo sinh, mà chính là do ảnh hưởng các việc ích lợi mà hướng đạo sinh đã làm cho cộng đồng.

Vào thời đó, Hội Hướng Đạo Việt Nam trung bình hằng năm chỉ có hơn 10 ngàn người vừa trưởng và đoàn sinh ghi danh sinh hoạt. Dầu vậy, cứ mỗi khi chẳng may xảy ra hỏa hoạn tại các vùng đông dân cư, người ta thấy ngay bóng dáng của hướng đạo sinh có mặt từ những phút đầu tiên để phụ việc chữa cháy, hoặc giúp di dời đồ đạc hầu giảm thiểu mất mát cho các nạn nhân. Những ngày khói lửa hồi Tết Mậu Thân năm 1968, hướng đạo sinh tại nhiều tỉnh thành miền Nam đã tích cực tham gia vào việc giúp đỡ và cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Tại một vài nơi, hướng đạo sinh còn tình nguyện đi thu dọn và chôn cất những xác người chết vô thừa nhận. Và do những đóng góp cụ thể của hướng đạo sinh cho xã hội, Hội Hướng Đạo Việt Nam đã được Tổng Thống VNCH ký sắc lệnh công nhận là hội có ích lợi chung vào tháng 11 năm 1968.

Vào những tuần lễ cuối cùng trước 30 tháng Tư 1975, khi hàng trăm ngàn đồng bào từ miền Trung ồ ạt đổ về thành phố biển Vũng Tàu để lánh nạn, hướng đạo sinh cũng đã góp phần không nhỏ trong công tác tiếp cư và cứu trợ do chánh phủ và các tôn giáo tại địa phương cùng phối hợp tổ chức. Giữa tháng Tư 1975, khi có những xà lan từ vùng duyên hải miền Trung về đến Vũng Tàu sau nhiều ngày đêm trên biển với hàng ngàn người đói khát nhưng phải neo ngoài xa để chờ được cặp bến, chính mắt người viết bài này đã chứng kiến nhiều hướng đạo sinh không ngại hiểm nguy, hì hục thay nhau chèo những thuyền thúng mang nước uống từ trong bờ ra tiếp tế cho đồng bào trên các xà lan. Ngày nay, mặc dầu sinh hoạt trong bối cảnh mà một hội Hướng Đạo vẫn chưa được chánh quyền trong nước chính thức cho phép hoạt động, các hướng đạo sinh tại Việt Nam cũng đã và đang âm thầm thực hiện nhiều việc giúp ích cho người chung quanh mà không cần ai biết đến.

Tóm lại, nhờ vào phương pháp giáo dục của phong trào Hướng Đạo, trên thế giới hiện có hàng triệu huớng đạo sinh luôn sắp sẵn và sẵn lòng góp sức để giúp ích người khác khi cần thiết. Nhưng có điều quan trọng mà hướng đạo sinh - đặc biệt là các huynh trưởng - cần phải hiểu: Hướng Đạo là một phong trào giáo dục, chứ không phải là tổ chức phước thiện hay hội Hồng Thập Tự (Chữ Thập Đỏ). Và điều này đã nhiều lần được xác định bởi Tổng Thư Ký đương nhiệm của Tổ Chức Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới (World Organization of the Scout Movement - WOSM) là ông Scott Teare, mỗi khi ông có dịp lên tiếng về sự góp mặt của hướng đạo sinh trong công tác cứu trợ những thiên tai hoặc thảm họa xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới những năm gần đây.

Do đó, mặc dầu hướng đạo sinh có lời hứa "giúp ích mọi người bất cứ lúc nào," nhưng Hướng Đạo không làm công việc của một tổ chức bác ái hay một hội cứu tế. Và cũng vì vậy, phần việc chính yếu của các trưởng Hướng Đạo là hướng dẫn trẻ theo mục đích và tôn chỉ của phong trào Hướng Đạo, chứ không phải để làm việc phuớc thiện cho xã hội.

Miền Nam California, Hoa Kỳ - ngày 5 tháng 6, 2016

* TomHuỳnh, J.D.
T.Huynh@1stcounsel.com