langhuehd 125x50

Ai là tác giả của câu “Hướng Đạo Một Ngày Hướng Đạo Mãi Mãi” ?

Nhiều người vẫn nghĩ, và thỉnh thoảng vẫn có người viết, rằng B.-P. đã đề xướng khẩu hiệu “Hướng Đạo Một Ngày Hướng Đạo Mãi Mãi “ (Once a Scout always a Scout). Lại cũng có người phân vân không hiểu tác giả thực sự của câu nói lừng danh nầy là ai. Do vậy, sự xác định tác giả của câu nói nầy hẳn phải là điều mà rất nhiều người mong được biết.

Trước tiên, Trưởng P. Jacques Sevin, Tổng Thư Ký Văn Phòng Quốc Tế của Hội Hướng Đạo Công Giáo Pháp, đã viết trên trang 158 trong quyển “Le Scoutisme” xuất bản năm 1933 rằng tác giả của câu nói trên là Lord Kitchener (1).

Trưởng William Hillcourt (1900-1992), người đã gắn bó với Hướng Đạo tại nhiều quốc gia từ năm 11 tuổi cho đến lúc qua đời và là tác giả của nhiều thủ bản nổi tiếng của Hội Hướng Đạo Hoa Kỳ, đã dùng ngót năm năm với sự giúp đỡ của Olave, Lady Baden-Powell (vợ của B.-P.) để hoàn thành quyển “The Two Lives of a Hero” ấn hành năm 1964 (2) viết về cuộc đời của B.-P., nơi trang 440 ghi rằng Lord Kitchener (1850-1916) chính là tác giả của câu nói lừng danh nầy. Lord Kitchener là Thống Chế trong quân đội Anh quốc, người từng giữ chức vụ Tổng Trưởng Chiến Tranh của nước Anh vào giai đoạn đầu của Đệ Nhất Thế Chiến; ngoài ra có lúc Ông giữ nhiệm vụ Chủ Tịch Hướng Đạo Miền Bắc Luân Đôn (3). Lord Kitchener đã đề xướng khẩu hiệu trên trong cuộc họp mặt của các Hướng Đạo Sinh tại Leicestershire vào tháng 4 năm 1911.

Một tác giả cũng nổi tiếng khác là Rex Hazlewood trong tác phẩm “BP’s Scouts” xuất bản năm 1961 cũng đã viết nơi trang 115 rằng Lord Kitchener là tác giả của câu nói trên (4).

Bằng chứng hùng hồn nhất hẳn phải là đoạn sau đây trích từ phần cuối của trang 223 có tiêu đề “Self-Discipline” trong quyển “Scouting for Boys” do Vùng Á châu Thái Bình Dương của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới ấn hành năm 2002. “Scouting for Boys” là quyển sách đầu tiên và căn bản của Phong Trào Hướng Đạo do B.-P. viết và xuất bản tại Anh quốc vào năm 1908, lúc B.-P. khởi xướng sinh hoạt Hướng Đạo. Nguyên văn của đoạn ấy như sau: Lord Kitchener nói với các nam Hướng Đạo Sinh “Có một ý tưởng mà tôi mong muốn tất cả các em ghi nhớ: Hướng Đạo Một Ngày Hướng Đạo Mãi Mãi”. Qua những lời nầy, Lord Kitchener nói rằng khi các em đã trưởng thành các em vẫn phải thực hành những gì mà các em đã học trong thời gian là một Hướng Đạo Sinh, và nhất là các em sẽ tiếp tục là người xứng đáng và đáng tin cậy. (Lord Kitchener said to the Boy Scouts: ”There is one thought I would like to impress upon you all – ONCE A SCOUT ALWAYS A SCOUT”. By this he meant that when you are grown up you must still carry out what you learnt as a Scout - and especially that you will go on being honourable and trustworthy.)(5)

Từ khi được ấn hành lần đầu tiên vào năm 1908 tại Anh quốc đến nay, sách “Scouting for Boys” đã được tái bản rất nhiều lần tại rất nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài quyển sách được trích dẫn nói trên do Vùng Á châu Thái Bình Dương của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới ấn hành năm 2002, một quyển “Scouting for Boys” khác do Hội Hướng Đạo Úc Đại Lợi xuất bản vào năm 1991 (6), nơi trang 161, cũng trong đoạn có tiêu đề “Self-Discipline” đề cập đến câu “Once a Scout always a Scout” với tác giả là Lord Kitchener, giống y hệt như đoạn in nơi trang 223 của quyển “Scouting for Boys” do Vùng Á châu Thái Bình Dương của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới. Điểm khác nhau là đoạn có tiêu đề “Self-Discipline” trong quyển sách sau lại thuộc vào mục “Câu chuyện thứ 20 bên lửa trại” (Camp Fire Yarn No. 20) trong khi cùng đoạn nầy của quyển sách trước lại thuộc vào mục “Câu chuyện thứ 21 bên lửa trại” (Camp Fire Yarn No. 21).

Đọc sang vài quyển “Scouting for Boys” khác được ấn hành trước đó, thí dụ như quyển “Scouting for Boys” Eighteenth Edition được nhà xuất bản C. Arthur Pearson Ltd in vào năm 1937 tại Luân Đôn với lời tựa của B.-P. và hàng chữ “ The Official Handbook for Boy Scouts” trên trang bìa (7), nhưng lại không thấy có đoạn nào đề cập đến Lord Kitchener với câu nói lừng danh “Once a Scout always a Scout” trong   toàn quyển sách, kể cả trong hai mục Camp Fire Yarn No. 20 hay 21.

Tương tự với quyển “Scouting for Boys” vừa nói trên, quyển “Scouting for Boys” in vào tháng 11 năm 1946 tại Luân Đôn với lời tựa đề tháng 9 năm 1946 của Lord Rowallan, Chief Scout of The British Commonwealth and Empire (8), cũng không có nơi nào đề cập đến câu nói “Once a Scout always a Scout”. Quyển “Scouting for Boys” in năm 1960 (9) với lời tựa của hai Chiefs Scout là Lord Somers (Chief Scout từ 1941 đến 1944) và Lord Rowallan (Chief Scout từ 1945 đến 1959), cũng không đề cập gì đến câu nói “Once a Scout always a Scout”.

Khi xem kỹ lại 3 quyển Scouting for Boys ấn hành vào các năm 1937, 1946 và 1960 tại Luân Đôn do cùng một nhà xuất bản C. Arthur Pearson Ltd, người viết nhận thấy tuy cả 3 quyển cùng có 28 “Câu Chuyện Bên Lửa Trại”, nhưng tiêu đề của một vài mục đã được thay đổi trong quyển in năm 1960 so với quyển in năm 1937, thí dụ như tiêu đề của “Câu Chuyện thứ 25 Bên Lửa Trại” là “Helping Others” được đổi thành “Rendering First-Aid”, “Câu Chuyện thứ 26 Bên Lửa Trại” là “Our Empire” được đổi thành “Our Country”, “Câu Chuyện thứ 28 Bên Lửa Trại” là “United We Stand -Divided We Fall” được đổi thành “Our Worldwide Brotherhood ”…

Đối chiếu với quyển “Scouting for Boys” do Hội Hướng Đạo Úc Đại Lợi in vào năm 1991 thì thấy quyển nầy chỉ có 23 “Câu Chuyện Bên Lửa Trại”, dù ngay trên trang đầu của sách có hàng chữ đại ý là quyển sách nầy được Ban Chấp Hành Liên Bang của Hội Hướng Đạo Úc xuất bản với sự cho phép của Hội Hướng Đạo Anh Quốc. Dĩ nhiên, các “Câu Chuyện Bên Lửa Trại” từ thứ 24 đến 28 không có trong quyển sách nầy. Còn quyển “Scouting for Boys” do Vùng Á châu Thái Bình Dương của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới ấn hành vào năm 2002 lại có 26 “Câu Chuyện Bên Lửa Trại”, nhưng không có những mục như : “Our Empire”, “Our Country”, “United We Stand -Divided We Fall” hoặc “Our Worldwide Brotherhood ”. Mục “Self-Discipline” của hai quyển “Scouting for Boys” in tại Úc vào năm 1991 (do Hội Hướng Đạo Úc) và in tại Phi vào năm 2002 (do Vùng Á châu Thái Bình Dương của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới) trong đó có đoạn đề cập đến Lord Kitchener với câu nói lừng danh “Once a Scout always a Scout” giống y hệt nhau, như đã viết trên.

Vậy thì rõ ràng là vào một lúc nào đó sau năm 1960, quyển “Scouting for Boys” đã được cập nhật hóa cho thích hợp với tình hình thế giới đương thời và nội dung của mục “Self-Discipline” cũng đã được thay đổi, trong đó đoạn về Lord Kitchener với câu “Once a Scout always a Scout” đã được thêm vào. Sự ghi nhận về tác giả của câu “Once a Scout always a Scout” là Lord Kitchener trong quyển “Scouting for Boys” do Hội Hướng Đạo Úc xuất bản vào năm 1991 (với sự cho phép của Hội Hướng Đạo Anh Quốc) và quyển “Scouting for Boys” do Vùng Á châu Thái Bình Dương của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới ấn hành vào năm 2002 cùng với những xác định trước đó của ba tác giả nổi tiếng khác chắc cũng đã đủ để kết thúc sự tìm hiểu ai thực sự là tác giả của câu “Hướng Đạo Một Ngày Hướng Đạo Mãi Mãi”.

                                                                                                                 Nguyễn Văn Thuất

Tài liệu tham khảo

  1. P. Jacques Sevin, Le Scoutisme, Action Populaire, Paris, 1933
  2. William Hillcourt with Olave, Lady Baden-Powell, The Two Lives of a Hero, Heinemann, London, 1964
  3. Philip Magnus, Kitchener, Dutton, New York, 1968
  4. Rex Hazlewood, BP’s Scouts: An Official History of the Boy Scouts Association, London, 1961
  5. Robert Baden-Powell, Scouting for Boys, World Scout Bureau, Asia-Pacific Region, Makati City, Philippines, 2002
  6. Robert Baden-Powell, Scouting for Boys, The Scout of Australia, 1991
  7. Lord Baden-Powell of Gilwell, Scouting for Boys, The Official Handbook for Boy Scouts, C. Arthur Pearson Ltd, 1937
  8. Lord Baden-Powell of Gilwell, Scouting for Boys, Issued Under The Authority of The Boy Scouts Association, C. Arthur Pearson Ltd, 1946
  9. Lord Baden-Powell, Scouting for Boys, Boy’s Edition, C. Arthur Pearson Ltd, 1960