langhuehd 125x50

Ðảo Xanh

Tác-giả : Dominique Bénard,

Jacqueline Collier Jesperson

Người dịch : Trần Cao Bằng

 

Lời Tòa-Soạn : Đảo Xanh là tài-liệu của Văn-Phòng Hướng-Đạo Thế-Giới dùng để gợi ý cho các nước đang muốn tái-tạo Phong-Trào Hướng-Đạo. Đảo Xanh gồm nhiều chương mà tập thứ nhất đề-cập tới hội-đoàn

Dẫn Nhập của tác-giả

 « Nhưng các anh, các người con của không gian bao la, các anh lo lắng cho họ trong lúc yên nghỉ , các anh sẽ không bị cầm giữ cũng như bị uốn nắn thuần phục, căn nhà các bạn sẽ không phải cái neo, nhưng là cột buồm. »

Khalil Gibran

Chúng tôi sẽ kể với các bạn câu chuyện của Vladimir và Ewa, nhưng cũng có thể của Mircea và Dîna, Piotr và Ewa, hoặc Boris và Anna, hay ngay của Maïmu và Tonu, của Myriam và Admet… Chúng tôi đã pha trộn những hoàn cảnh có thật để làm các nhân vật chúng tôi trình bày nơi đây trở nên sống động. Họ sống đây đó, chúng tôi đã gặp một số trong các xó xỉnh của châu Âu cổ kính, nơi phong trào Hướng Ðạo đã tái sinh và phát triển. Họ là các thanh niên nam nữ 20, 30 tuổi hay lớn hơn, những người say mê nền giáo dục trẻ em ; họ biết rằng giáo dục là phương tiện đem lại cho trẻ những giá trị giúp chúng sống cũng như để đổi mới và kiện toàn xã hội. Họ đã chọn Hướng Ðạo như một dụng cụ. Họ không dùng các lời to tiếng lớn, kiên nhẫn làm việc, thích ứng với những cụ thể thường nhật. Chúng tôi mong kể với các bạn câu chuyện cùng các khám phá của họ trong hy vọng các bạn có thể rút tỉa được vài bài học cho hoạt động của mình. Tùy theo văn hóa của mình, bạn có quyền mặc cho bóng dáng của họ những tên tuổi gần gũi với mình hơn, vì chắc chắn nơi Phi châu, các xứ Ả rập, Bắc, Nam Mỹ, cũng như Á châu những trường hợp trùng hợp như họ không thiếu. Họ hiện diện ngay trong quê hưong bạn, là những người thân, quen biết. Bạn biết họ rõ lắm. Có thể họ là một phần của bạn không chừng, cũng như là một phần của ngay chúng tôi.

Vladimir và Ewa sống tại thủ đô một nước nhỏ bé ở Ðông Âu, nơi mà chế độ hà khắc chuyên chế ngự trị suốt từ năm 1945 vừa sụp đổ. Ðời sống khó khăn với những người dân bình thường: kinh tế suy sụp. Vladimir vừa học xong kỹ sư, ngành xây cất, 25 tuổi, đang tìm việc làm ; Ewa y tá, 24 tuổi. Họ rất có tương lai dù ngay trong thời buổi khó khăn hiện tại. Giống như các người trẻ tuổi khác, Vladimir và Ewa là những cựu thành viên của tổ chức thanh niên Quốc gia cũ. Ðầy kinh nghiệm, họ từ chối tham gia với chế độ sự tập thể hóa cũng như loại bỏ cá nhân tính.

Trước khi có dân chủ, Vladimir và Ewa đã khám phá ra Hướng Ðạo, qua các sách báo cũ lưu truyền kín đáo hay qua những chứng cớ của các cựu hội viên. Họ đã tham gia vào Phong Trào tái sinh.

Lúc đầu thật không dễ, tài liệu hiếm hoi cũng như thiện chí. Vài cẩm nang cũ trong những thập niên 30 tìm thấy nơi tư gia các cựu hội viên, báo chí ngoại quốc cùng quyết tâm đã cho phép họ khởi sự. Sau vài tháng, họ đã nối vòng tay liên được với khoảng vài chục liên đoàn ở các địa phương, xuất hiện đây đó. Một hội Hướng Ðạo được tái lập lại sau nửa thế kỷ ngưng hoạt động. Ewa được đề cử chủ tịch Uỷ ban Chương Trình, Vladimir phụ tá. Công tác của họ : gây dựng những chương trình giáo dục thích ứng với hoàn cảnh cùng nhu cầu hiện tại của thanh thiếu niên. Mục tiêu của họ : trình bày với Ðại Hội Ðồng, trong một năm nữa, một dự án về chương trình đổi mới. Văn phòng Âu châu đã cung cấp tài liệu và khuyến khích cùng hứa hẹn giúp đỡ.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày Vladimir viếng thăm người bạn của cha anh, một cựu giáo sư về tâm lý học. 

Hội Ðoàn

Thứ Tư 9 tháng 9 năm 1992, lúc 17 giờ.

-   Ðoàn tàu điện cũ kỹ vừa thắng vừa làm vang lên những tiếng rít trên đường sắt như 1 buổi hòa nhạc, Vladimir bước xuống. Mưa đã ngừng rơi, vài tia nắng mặt trời yếu ớt le lói xuyên qua đám mây lãng đãng trên trời. Các vũng nước bẩn thỉu trên vỉa hè phản chiếu những mảnh trời xanh ngắt. Đã tháng 9 rồi, nhưng hình như mùa Hè vẫn còn luyến tiếc dù lá cây đã bắt đầu vàng úa. Vladimir bước nhanh đến toà nhà to mầu xám buồn bã bên kia lề đường, vừa cố tránh bước vào những vũng nước. Dáng ngươì cao và mảnh khảnh, mặc một áo choàng bằng da khá rộng đối với anh. Khuôn mặt gầy và xương xẩu như cắm trên cái cổ dài, mái tóc đen và rậm, đôi mắt tinh xảo núp sau cặp kính nhỏ bằng sắt, đôi chân ốm nhưng nhanh nhẹn : trông như sếu vườn.

Anh như chìm vào lối đi tòa nhà và tìm trên các hộp thư tên của ông thầy: Jan Kessel, lầu 5 bên trái. Lên cầu thang bước cứ hai bậc một, đến một tầng tường đã phai màu. Cửa phòng mở ra để lộ một người đàn ông thấp nhỏ, khuôn mặt đầy đặn, mái tóc bạc dầy bạc trắng, chỉ mặc mỗi quần tây bằng len với áo lạnh cổ cao. Một lần nữa, Vladimir rất bỡ ngỡ trước cái nhìn sinh động sau cặp kính to.

-   Chào Vladimir, tôi đã thấy anh từ cửa sổ nhà tôi. Ðúng giờ lắm đấy. Vào đây.

Vladimir bắt tay giáo sư và đi vào căn phòng bé nhỏ nơi Jan Kessel sống một mình.

-   Vladimir, anh làm ơn đưa áo khoác cho tôi và ngồi đây. Anh dùng trà nhé ?

Vladimir gật đầu, sau đó đưa mắt quan sát chung quanh. Ánh sáng đến từ hai cửa sổ rọi sáng khắp căn phòng vừa là phòng khách vừa là phòng ngủ. Sau cửa ở cuối phòng là cái bếp nhỏ xinh xắn. Sách vở và tạp chí lổn ngổn khắp nơi. Hàng chục cái phong bì dán tem các xứ ngổn ngang trên bàn cạnh một máy đánh chữ cũ hiệu Olympia. Một con mèo xám cuộn mình trên đi văng, mở mắt nhìn Vladimir, rồi tiếp tục ngủ khèo.

Xưa kia ông Jan Kessel là một thày giáo về tâm lý học rất nổi tiếng, chỉ vì chống lại chế độ cũ mà bị 10 năm lao động cưỡng bách. Mãn tù, ông chỉ còn mỗi con đường, làm việc trong công xưởng, như một thợ thuyền đặc biệt để kiếm sống. Chính phủ bây giờ cấp cho ông chút lương hưu trí và căn phòng này. Vladimir rất khâm phục ông, và coi ông như thầy của mình.

Giáo sư trở ra mang theo khay nước với hai tách, một bình trà, sữa và ít bánh khô trong đĩa.

-   Xin lỗi, nhà cửa bề bộn quá, thư từ của các bạn bè trên các đại học ở Tây Âu gửi đến nhiều quá ; họ muốn biết tình hình xảy ra ở đây, trả lời cho họ làm tôi mất nhiều thì giở lắm. Anh dùng chút sữa ?

-   Dạ, xin ông.

Anh uống một hớp xong vào đề ngay,nói lý do tại sao có buổi gặp mặt ngày hôm nay. Anh phải chuẩn bị một cuối tuần làm việc đầu tiên của Ủy ban phụ trách về Chương Trình, nhưng có nhiều điều thắc mắc về phương pháp phải theo.

-   Để xây dựng những chương trình mới về giáo dục phải không? Giáo sư gặng hỏi.

-   Thưa đúng như vậy, lúc đầu tiên chúng tôi dựa theo những kinh nghiệm của những thập niên 30 để làm việc, nhưng bây giờ chúng tôi cần cải tiến phong trào để đáp ứng với những nhu cầu của lớp trẻ hiện nay. Chúng tôi có nhiều ý kiến nhưng thiếu phương pháp làm việc. Tôi tin chắc rằng ông có thể giúp chúng tôi.

Jan Kessel trầm ngâm giây lát đoạn đặt tách trà xuống, ông nói :

-   Theo tôi, các anh phải trả lời câu hỏi đầu tiên như sau : thế nào là một hội đoàn ?

Vladimir rất ngạc nhiên.

-   Ồ...một hội đoàn ? Theo tôi quá rõ rệt. Một số người tập họp lại với nhau để thực hiện một số việc chung.

-   Ðúng, nhưng tại sao lại kết hợp thành hội ? Cái gì đã khiến họ làm như vậy ? Ngày nay trong nước chúng ta, mọi người đều được tự do, chẳng ai có thể bắt họ trở nên thành viên của tổ chức nào hết, như vậy phải có một lý do nào đó lôi cuốn họ.

-   Vâng, chắc chắn. Một đích chung.

Jan Kessel lại để tách trà lên bàn.

-   Ðó là cái gì anh Vladimir ?

-   Xin lỗi, tôi không hiểu?

-   Mục đích gì đã động viên những người trong hội đoàn của các anh tự Hợp đoàn như vậy ?

-   Thưa : phong trào Hướng Ðạo. Chúng tôi quyết định thành lập một hội Hướng Ðạo .

Vladimir không rõ ông giáo sư muốn đề cập về vấn đề gì.

Jan Kessel tiếp lời:

-   Khi người ta muốn chơi đá banh, họ dựng nên một hội Bóng Đá, khi ngườì ta muốn chơi Hướng Ðạo thì họ gây dựng một hội Hướng Ðạo. Hai việc giống nhau phải vậy chăng?

-   Vâng, đúng như vậy.

-   Tôi không tin như vậy đâu, giáo sư nói sau vài phút yên lặng. Quy luật của Bóng Đá hay bất cứ một bộ môn thể thao nào đều đơn giản, tiêu chuẩn được ấn định trước, nhưng trong trường hợp của các anh thì lại khác. Bằng chứng là các anh bắt buộc phải tụ họp để gây dựng một chương trình Hướng Ðạo. Ðiều này lại không cần thiết với Bóng Đá cũng như Bóng Rổ.

Vladimir bắt đầu hiểu rõ ràng hơn.

-   Tôi rõ điều ông muốn nói gì. Thể thao có quy luật chính xác và một chương trình đơn giản: chỉ cần thành lập một đội, sau đó tập dượt để tham gia thi đấu. Trong trường hợp Hướng Ðạo, lại khác, mọi điều phức tạp hơn: phải thích ứng các nguyên tắc căn bản vào một trường hợp đặc biệt.

-   Ðúng như vậy, giáo sư thừa nhận, mục đích và phương pháp của Hướng Ðạo được qui định trên cấp thế giới, nhưng anh phải đem thích nghi vào hoàn cảnh đất nước chúng ta.

-   Vâng, đó chính là mục tiêu của chúng tôi.

-   Tôi có thể lầm lẫn, giáo sư thêm lời, nhưng tôi có cảm tưởng rằng đa số những người, lúc đầu tiên, tham gia vào hội đoàn các anh đều có một mục đích chính: gây dựng lại cái gì đó đã có trong quá khứ... Một hình thức kiến tạo lại...

-   Vâng, đương nhiên là như vậy. Ða số trong chúng tôi, nhất là những cựu Hướng Ðạo đều háo hứng bởi ý muốn lập lại hội Hướng Ðạo như trước kia đã có, đó là chuyện bình thường; nhưng ngoài ra, những người như Ewa và tôi, nghĩ rằng phong trào Hướng Ðạo xưa kia cần phải được hiện đại hóa hầu đáp ứng đúng cho nhu cầu giáo dục giới trẻ hiện nay.

-   Như vậy có ít nhất hai khuynh hướng khác nhau của các hội viên trong hội các anh, giáo sư nhận xét. Một số muốn gây dựng lại Hướng Ðạo như trước kia, một số muốn thích ứng phong trào cho phù hợp với những nhu cầu hiện tại. Nhưng những nhu cầu đó là gì? Anh đã thành lập một hiệp hội được các hội viên tình nguyện tham gia nhưng lại không có sự ấn định rõ ràng về mục đích chung cũng như không được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Ðúng vậy không? Trong trường hợp này sự liên kết giữa các hội viên có được chặt chẽ? Nó có thể sẽ tan vỡ bất cứ với bất cứ một bất trắc nhỏ nào?

-   Thầy muốn nói công việc đầu tiên của chúng tôi là phải nêu rõ mục đích của hiệp hội cùng chắc chắn được sự đồng lòng của tất cả mọi người?

-   Ít nhất là đa số. Ðúng rồi. Vladimir. Anh thấy chăng, một hội đoàn với tinh thần tình nguyện là một sự kiện chúng ta đã mất kinh nghiệm từ lâu trong xứ sở. Ðể có được nền tảng vững chắc thì hiệp hội phải làm sao cho các hội viên chia xẻ chung những mục đích, ý kiến và kiến thức chung. Việc này đòi hỏi thời gian và không dễ làm.

-   Việc này không thể một sớm một chiều được.

-   Ðúng vậy, nhưng muốn xây một căn nhà vững chắc, nền móng phải được vững bền.

-   Nói rằng chúng ta muốn chơi Hướng Ðạo, ôn tập lại mục đích cùng tôn chỉ của phong trào, chưa đủ sao ?

-   Tôi không tin như vậy. Việc mà các anh phải làm là đưa ra những đề nghị căn bản, nói lên được đầy đủ những ý định các anh muốn thực hiện chung, trong đất nước chúng ta.

-   Tôi hiểu. Vladimir trả lời.

-   Còn một việc khác nữa, Kessel thêm vào.

-   Thưa việc gì vậy ?

-   Câu hỏi thứ hai khá quan trọng : « thế nào là giáo dục » ?

-   Thầy bảo sao ?

-   Việc các anh muốn làm là xây dựng một hội đoàn giáo dục ?

-   Ðúng rồi.

-   Như vậy anh phải biết trả lời câu hỏi: thế nào là giáo dục, ngày hôm nay, trong xứ sở chúng ta ? Và giáo dục làm sao bằng Hướng Ðạo? Anh định nghĩa giáo dục là gì, Vladimir ?

-   Giáo dục là dạy một môn gì đó, phải không ?

-   Ðó là dạy học, còn giáo dục thì khác. Anh có thấy cuốn sách nhỏ này không ? Nó chứa đựng những trích dẫn của Robert Baden-Powell. Tôi được một người bạn gửi cho khi biết tôi yêu thích Hướng Ðạo. Giáo dục theo định nghĩa của BP :

-   « Cái bí quyết của một nền giáo dục lành mạnh là tạo cho mỗi học sinh những điều kiện để em tự học hỏi lấy thay vì nhồi vào đầu óc chúng những kiến thức để hướng về một khuôn mẫu đã được định trước. »

-   Quan niệm rất mới mẻ !

-   Ðúng, ngoài ra BP đã phê bình nhiều về hệ thống giáo dục thời đó. Trong tạp chí của Văn Phong Trung Ương Hướng Ðạo năm 1913, ông viết :

-   « Những điều cần phát triển để đào tạo trẻ trở thành những công dân tốt được xếp theo tầm quan trọng như sau :

1.Tính khí, nghị lực.

2.Kiến thức.

Ðiểm 2 được giảng dạy trong trường lớp, trong khi đó điểm 1 lại để mặc cho học sinh, chúng phải tự tìm lấy, ngoài những giờ đến trường, ở môi trường của chúng. Ðiểm 1 thực là điểm mà chúng ta cố gắng cung cấp trong phong trào Hướng Ðạo. »

Có hai hệ thống chính để đào tạo:

1 .Giáo dục là ở chỗ làm lộ ra cá tính của mỗi trẻ em và truyền cho chúng sự ham muốn và hứng thú trong việc tự học hành,tự ôn luyện.

2. Dậy học mang tính chất in những hiểu biết vào tinh thần trẻ, hoặc tìm cách nhồi sọ vào.

Phương pháp thứ nhì còn đang được sử dụng rất thường xuyên. Trong phong trào Hướng Ðạo chúng ta sử dụng phương pháp 1.

-   Như vậy BP đối lập triệt để hệ thống giáo dục nhà trường với hệ thống Hướng Đạo ?

-   Ta có thể tin như vậy chăng ? Những điều ấy có thật như vậy lúc ông viết. Ngày nay mọi việc đã thay đổi, và ta không thể ủng hộ mãi sự chống đối triệt để như vậy. Nhưng điều quan trọng không nằm ở đó ; BP xác nhận, như Socrate, rằng kiến thức thực sự đến từ bên trong, bắt nguồn từ những tiến triển cá nhân :

Linh hồn được giáo dục, có nghĩa tự nó triển nở, từ bên trong ; nó không thể được phát triển một cách nhân tạovà từ bên ngoài bởi những dậy dỗ bằng sách vở, hoặc bằng một đống lề luật.

-   Thật quá rõ ràng ! Vladimir diễn tả tức thì. Tôi nghĩ rằng một số các Trưởng của chúng ta phải đọc điều này. Trong khi đó tôi xin đặt một câu hỏi. BP xác nhận việc phát triển tính khí phải là mục tiêu đầu tiên của giáo dục, nhưng thầy định nghĩa sao về tính khí ?

-   Ðây là câu hỏi rất hữu ích. Chắc chắn phải đào sâu câu trả lời thời gian sau. Tôi nghĩ rằng thành ngữ tính khí theo BP phù hợp rất nhiều với lý trí và sự khôn ngoan theo như những triết lý gia Hy Lạp, Platon hoặc Aristode. Một người có tính khí tự mang trách nhiệm với chính mình, đáng tin cậy, có khả năng đối phó với những khó khăn và tự quyết định cho bản thân.

-   Có khả năng để tự lèo lái đời mình trong đời sống hằng ngày…

-   Ðúng như vậy. Ðiều này đối với tôi rất quan trọng ngày nay trên đất nước chúng ta, anh có tin như vậy chăng ?

Vladimir gật đầu.

-   Thật đúng, với sự tự do vừa tìm lại được, nhiều người bị mất hướng đi. Họ không còn mốc điểm nữa. Họ tự bị lôi cuốn vào bất cứ niềm tin nào. Một đống các giáo phái kỳ cục đến từ Tây Âu hay Mỹ tràn vào và cắm dùi ở nước mình.

-   Thử thách trong tương lai đấy, Vladimir: một nền dân chủ không thể phát triển nếu không có một số những đức tính của các công dân. Ðây là nhiệm vụ chính mà phong trào Hướng Ðạo phải gánh vác: đào luyện những công dân mới, vì đất nước chúng ta cần đến.

-   Tham vọng lớn quá!

-   Nhưng các anh cần có một đề nghị đầy tham vọng lớn nếu muốn tụ tập những người có đầy đức tính bên cạnh các anh.

-   Tôi lại thấy đó là một trở ngại. Rất nhiều Trưởng có trách nhiệm sợ đề cập đến tương lai, cũng như sợ đưa ra những mục tiêu mà họ không thể đạt tới.

-   Anh có lý, chẳng có ích gì khi làm cho người ta sợ bằng những mục đích vô tưởng. Ðề nghị của anh phải đi đôi với phương pháp cùng các phương tiện mà anh sẽ có thể đem ra để thực hiện. Nhưng tuy nhiên nó cần thiết, cũng như phải thích ứng, vì với tình trạng của đất nước đang cần đến.

Ðến đây Vladimir lấy ra 1 tập vở và cây bút.

-   Nhưng giáo dục, có phải là chuyển lại cho trẻ em một số những giá trị? Một số lớn các hội viên của chúng tôi, nhất là các cựu hội viên, rất bận tâm đến vấn đề. Ngoài ra trong kỳ Ðại Hội Ðồng vừa qua đã xảy ra những thảo luận rất sôi nổi giữa hai xu hướng: một bên ước muốn bắt chước y hệt kiểu mẫu Hướng Ðạo mà một số hội đoàn Hướng Ðạo Ðan Mạch, Thụy Ðiển hay Anh quốc đã trình bày; một bên từ chối những ảnh hưởng này và muốn giữ lại một truyền thống quốc gia.

-   Ðúng, anh có lý, nhận xét của giáo sư. Xã hội nào cũng cần phát triển và các thế hệ lớn lên đều cần những kinh nghiệm của đàn anh. Họ không thể không biết quá khứ. Ðiều đó không có nghĩa vì thế cần chấp nhận những kiểu mẫu ngoại quốc, dù cho nó có vẻ hiện đại. Ðương nhiên, chúng ta đang ở trong một xã hội rộng mở. Rất là vô ích cũng như nguy hiểm khi tự khép kín và từ khước tất cả những ảnh hưởng bên ngoài, nhưng mặt khác, trường hợp của chúng ta rất đặc biệt. Có thể sẽ là một lầm lẫn nếu áp dụng một cách mù quáng những giải pháp của Ðan Mạch, Thuỵ Ðiền hay Anh quốc. Chúng ta phải thấy rằng cả một nền giáo dục được ghi dấu trong lịch sử nhân loại và trường hợp của chúng ta rất đặc biệt. Mặt khác, nếu mục đích của giáo dục là truyền đạt những kinh nghiệm đã có, thì nó cũng phải nhận rằng kiến thức nhân loại biến chuyển theo từng thế hệ. Triết gia Hegel dạy rằng, Lich Sử giống như một dòng sông. Ở một chỗ nào đó dòng nước sẽ thay đổi tùy theo sự khúc khủy, tùy các ghềnh đá, tuỳ khúc quanh co nằm ở chỗ ấy. Vậy phải chuẩn bị lớp trẻ, không những chỉ tiếp diễn tập quán tiếp thu, nhưng cũng phải thích ứng vào những điều kiện mới họ sẽ rất cần để gặp ngày nào đó. Cho nên trong giáo dục, phương pháp không kém quan trọng so với nội dung.Triết gia Thụy Sỹ Jean Piaget đã diễn đạt rất rõ ràng quan điểm này:

... Ðứa trẻ một khi tiến gần về trạng thái người lớn không những nhận lãnh tất cả những chuẩn bị cho lý lẽ cùng các lề lối đưa đến những hành động tốt, mà còn hấp thụ thêm do những cố gắng và kinh nghiệm bản thân của nó; như vậy xã hội sẽ đón nhận những thế hệ mới hơn là sự bát chước,sự phong phú.

-   Tôi hiểu, Vladimir nói, giáo dục không phải chỉ truyền đạt lại cái đã tìm được ở quá khứ, nhưng phải phát triển tính sáng tạo của giới trẻ hầu đối phó với những tình hình mới, và đến phiên họ, làm phong phú xã hội. Chúng ta sẽ không thể có kết quả này nếu chỉ bằng lòng bắt chước những kiểu mẫu có sẵn, đến từ truyền thống hoặc ngay từ nước ngoài.

-   Ðúng vậy, ta có thể nói giáo dục nâng cao con người, mà không phải chỉ tạo lại nó. Ðó là những lợi ích của phong trào Hướng Ðạo: nó không muốn “in lại” những ấn định trước trên giới trẻ, mà thúc đẩy chúng biểu lộ những gì ấp ủ trong mình. Hướng Ðạo được xác định không phải chỉ là những gì nó mang lại cho trẻ, mà còn phải kể đến phương pháp của nó nữa. Hướng Ðạo không muốn đưa ra những luật lệ định sẵn, nhưng trang bị cho mỗi em một địa bàn cho phép các em tìm cho mình lối đi dù với bất cứ bối cảnh nào bên ngoài.

-   Ðây là học cách học.

-   Ðúng vậy!

-   Chắc chắn điều này phải được thấu hiểu và công nhận của tất cả những ai tham gia hoạt động trong Phong Trào. Vậy theo ông, giai đoạn đầu cho công việc của chúng tôi sẽ là thiết lập dự án giáo dục cho hội?

-   Ðúng rồi, theo tôi nghĩ rất cần thiết cho các anh, ít ra là 3 đề tài. Trước tiên là phải ấn định rõ ràng mục đích dựa trên đó các anh xây dựng chương trình giáo dục, sau đó mời gọi các Trưởng có trách nhiệm tham gia vào một dự án rõ rệt, sau cùng giới thiệu với cộng đồng và phụ huynh những gì phong trào sẽ cống hiến cho trẻ. Tôi nấu thêm nước trà, anh dùng thêm chứ?

-   Vâng, cám ơn thầy, trong khi chờ đợi tôi xin ghi lại rõ ràng hơn.

Khi giáo sư trở lại với bình trà đầy, Vladimir đề nghị đọc lại các tóm gọn của cuộc bàn luận:

-Tôi biết rằng rất quan trọng khi soạn một đề án giáo dục và nó phải bao gồm:

1. Một bản phân tích những những nhu cầu chính yếu của giới trẻ hiện nay trong xứ sở chúng ta.

2. Hướng Ðạo sẽ đáp ứng ra sao, có nghĩa là những mục tiêu giáo dục nào chúng ta muốn đạt đến trong tình thế đặc biệt của chúng ta.

3. Những đề nghị cụ thể nào của chúng ta, bằng phương pháp nào, bởi những quan hệ giáo dục nào.

Tuy nhiên, tôi có một câu hỏi, Vladimir thêm, thầy khuyên tôi nên xử dụng phương pháp nào để có thể đạt đến tới kết quả này?

-   Tóm gọn của anh thật đầy đủ, giáo sư công nhận, tự nó đã trả lời câu hỏi của anh. Giai đoạn đầu tiên chính là tìm hiểu các nhu cầu chính yếu của giới trẻ. Anh có thể tập họp một nhóm người có trách nhiệm và đã có nhiều kinh nghiệm và đề nghị gom chung lại những nhận xét của họ. Anh cũng có thể soạn trước 1 tài liệu để khơi mào cuộc đàm luận. Tôi có ở đây vài bài báo đề cập đến những vấn đề hiện đại của giới trẻ. Tôi sẽ đưa cho anh, nhưng đừng ngại bỏ công tìm thêm những tài liệu, chẳng hạn ở thư viện đại học...

-   Thầy có quen biết những chuyên gia có thể giúp đỡ chúng tôi, thí dụ các giáo dục gia, các nhà khảo cứu?

-   Có, tôi còn vài người bạn ở đại học Khoa Học Giáo Dục... Suy nghĩ về nhu cầu của giới trẻ là tiến trình mới mẻ trong nước chúng ta, tôi có sẵn đây tên tuổi một, hai người để giới thiệu với anh. Tuy nhiên, cốt yếu nhất là thành lập một nhóm nhỏ chuyên về nghiên cứu và tìm tòi khám phá. Dự án của các anh phải được soạn thảo, chứ không phải dự án của đại học, hoặc viện khảo cứu nào đó. Và phải soạn nó với các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu cho tất cả, hầu có thể chia xẻ dễ dàng cho những ai cho những ai quan tâm đến: các Trưởng, phụ huynh, bạn bè...

Vladimir không muốn phiền giáo sư hơn. Anh cám ơn thầy một cách nhiệt thành và xin cáo từ. Ðã đến lúc đi gặp Ewa, vì giờ này cô đã tan việc ở bệnh viện đến cả giờ đồng hồ rồi, cô chắc đang đợi anh ở trụ sở.

Vladimir lấy tàu điện cũ trở về trung tâm thành phố. Hội Hướng Ðạo tìm được một trụ sở tạm trong 1 pháo đài cổ cũ do uỷ ban thành phố cấp. Muốn đến, phải đi ngang một công viên nhỏ. Vlidimir nhận thấy một cửa sổ có ánh sáng. Ewa đã đến rồi. Anh nhanh bước chân và đẩy cánh cửa nặng nề của pháo đài vào trước khi leo lên cầu thang đá cũ kỹ. Một căn phòng rộng có trần cong chiếm hết dãy lầu một của pháo đài. Ðây là Văn phòng Quốc gia của Hội, gọi tắt là Q.G. Ở giữa phòng có khoảng 3 chục cái ghế cũ ngổn ngang, 1 bảng đen cũ, được xử dụng làm phòng họp; xung quanh có nhiều khu được thu xếp để cho “nhiều việc” của Hội - một, hai cái bàn trên ván ngựa, 1 cái tủ, vài cái ghế. Những tấm bảng có dán bích chương các hội Hướng đạo dùng để chia khu vực làm việc. Những cửa sổ, nằm sâu trong lỗ bắn cung không cho phép có nhiều ánh sáng, và ánh sáng đèn điện vàng, được vài bóng điện bật lên cũng chẳng cho phép sáng hơn, nên căn phòng có bầu khí đặc biệt, Vladimir cho nó khi thì thơ mộng, khi thì buồn tẻ tuỳ hứng tâm trạng. Anh bước qua văn phòng thư ký, phòng hành chánh, sau đó văn phòng hội trưởng - được trang trí bằng cờ hiệu của Hội - trước khi gặp Ewa, đang ngồi ở bàn “Ủy Ban về Chương Trình” trước 1 máy đánh chữ điện khổng lồ. Nghe tiếng chân, Ewa quay lại và nhìn anh với cặp mắt nghiêm khắc.

-   Chào Vladimir, lại đến trễ như thường lệ!

-   Chào Ewa, thôi đừng trách tôi nữa! Rất đáng tiếc vì thầy Kessel giữ tôi lâu hơn giờ đã định trước.

-   Thôi, chúng ta không nên mất thì giờ nữa, phải đánh máy thư mời cho buổi họp Ủy Ban, mai tôi sẽ đem in ở bệnh viện.

-   Cô đào đâu ra cái máy khủng khiếp này? Vladimir chỉ bàn máy đánh chữ.

-   Stefan đã thuyết phục ông tổng thư ký của thị xã để ông đã tặng cho chúng ta, hình như họ có ngân quỹ để mua các làm văn mới. Cái này còn tốt lắm, trừ chữ “o", hơi bị ngẹt, chùi bằng ít cồn là xong ngay.

Ngồi cạnh Ewa, anh ngắm những ngón tay nhanh nhẹn của nàng chạy trên bàn máy. Một phụ nữ đầy lòng tự nguyện, khuôn mặt thanh thanh đầy nhực khí, mái tóc nâu cắt ngắn. Cô ăn mặc thật giản dị, quần gin với áo cổ lọ. Vladimir rất thích óc thông minh và tổ chức của cô, rất lợi cho việc làm của nhóm, vì bản thân anh, tính tình hay mơ mộng cũng như bừa bãi. Hơn nữa, anh thán phục đức tính tự nguyện của cô: không ngại ở cả giờ nơi “trụ sở” sau những ngày và đêm làm việc mệt nhọc ở bệnh viện. Đêm đã xuống dần, khí lạnh ẩm đã lan vào phòng. Vladimir cởi áo choàng bằng da ra và khoác lên vai Ewa. Cô gửi trả nhanh bằng nụ cười.

-   Sao, ông giáo cổ, anh đã hấp thụ được gì? kể cho nghe với.

 Chủ nhật 13/09/1992 lúc 16 giờ.

Buổi họp của Ủy Ban về Chương Trình vừa chấm dứt. Vladimir và Ewa ở lại dọn dẹp với sự tiếp tay của Stefan, một thành viên trong Ủy Ban, anh ở trong thủ đô. Các tham dự viên khác đến từ địa phương, nên lật đật ra nhà ga sợ trễ tàu về nhà.

-   Anh nghĩ sao về cuộc họp? Vladimir vừa xếp ghế vừa hỏi Stefan.

Stefan là một kỹ thuật viên cho dịch vụ về nước của thành phố, vì vậy anh có cơ hội ra vào tòa thị sảnh vài lần. Khoảng 31 tuổi, cao lớn, tóc hung đỏ, đầm tính, dịu dàng, có 1 sức khỏe khác thường. Anh là người đã thành lập một trong các đơn vị Hướng Đạo trong thủ đô và đã sẵn có ý hướng về giáo dục.

-   Tôi rất thích đề nghị của Ewa về việc tổ chức một buổi thảo luận giữa hai nhóm, một nhóm đại diện cho các nhu cầu của giới trẻ, nhóm kia về tài nguyên của Hướng Ðạo. Tôi tin rằng việc này cho phép chúng ta gặt hái được nhiều ý kiến hay. Nhưng tất cả các thành viên trong Ủy Ban chưa quen với cách làm việc này...

Ewa đang bận chép lại các đúc kết của buổi họp đã được ghi trên bảng đen, bỏ mặc cho 2 tên đàn ông thu dọn căn phòng.

-   Chúng ta đã tiến khá xa khi điều kiện cho phép. Sơ đồ làm việc lập ra của Vladimir và ông thầy cùng tài liệu anh tìm thấy ở thư viện đã cho phép chúng ta sửa soạn kỷ lưỡng buổi họp này. Mình bây giờ đã có các căn bản cho dự án giáo dục. Chỉ cần viết ra câu cú bài bản là xong.

-   Cậu tin rằng Piorr sẽ đồng ý với dự án của chúng ta?

Piorr Gormiko, một giáo sư trung học đệ nhị cấp, 55 tuổi, đã được bầu làm Hội Trưởng của Hội trong đại hội đồng vừa qua. Ewa ngẫm nghĩ một lúc về câu hỏi, sau đó quả quyết:

-   Chúng ta được ủy quyền để soạn thảo một cải tiến cho các dự án giáo dục để trình bầy vào Ðại Hội Ðồng sắp đến, mình sẽ không cần phải hỏi ý kiến Piorr từng chi tiết một khi làm việc. Cứ xúc tiến rồi sau đó xin ý kiến với ông ta sau.

-   Nhưng giai đoạn tới của công việc chúng ta làm là gì?

Vladimir đặt chồng ghế vào sát tường, lấy chổi ra. Anh tiếp lời:

-   Hiện thời mình đã có một dự án giáo dục tổng quát, tại sao không lấy các điều khoản trong chương trình cũ cổ truyền rồi tân trang cho hợp thời? Stefan này, anh chắc không bực mình gì khi để tôi làm việc một mình?

-   Ðược rồi, đợi một chút! Tôi muốn thêm vài chi tiết: anh quên các ngành. Hiện thời chúng ta chỉ có nghành Ấu, Thiếu và ngành Tráng đang thai nghén, trong khi đó, người Anh và Thụy Ðiển họ có thêm ngành Nhi từ 5 đến 7 tuổi...

-   Ðúng rồi, người Ðức cũng như Pháp, họ đã chia nghành Thiếu ra làm 2, “Thiếu” và “”Kha sinh”. Nhưng anh cũng biết các Trưởng kỳ cựu của chúng ta ráng sức muốn giữ lại hệ thống cổ truyền gồm 3 ngành! Hơn nữa. Hiện thời mình chắc chỉ đủ sức cáng đáng như vậy mà thôi.

-   Nhưng cũng không phải vì vậy mà không đề cập đến hệ thống các ngành, Ewa xen vào. Chúng ta phải làm việc cho hợp lý. Tôi không hiểu tại sao mình lại hài lòng tôn trọng truyền thống mà chẳng thắc mắc chi. Ít ra cũng phải xem việc chia các nghành có phù hợp với các giai đoạn phát triển của trẻ em ngày nay không!

-   Thêm điều này nữa, Stefan vừa nói vừa tiến gấn Vladimir, một tay cầm đồ hốt rác tay kia thùng rác nhựa, ý nghĩa chính xác ra sao của việc thời đại hóa chương trình cũ?

-   Giản dị lắm, Vladimir trả lời. Nếu anh nhìn kỹ chương trình cũ, anh sẽ thấy có một loại như khung sườn tổng quát từ nghành này qua nghành kia, thí dụ: thể thao, đời sống trong thiên nhiên, lanh lợi khéo tay, quan sát... Ðiều này cho phép đi vào chi tiết những rèn luyện mà các em phải thực hiện, cùng lúc ta có một số ý kiến về sinh hoạt. Chắc chỉ cần tìm ra một số ý kiến mới mẻ, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của các em.

-   Ðúng là chúng ta có thể tiến khá nhanh nếu làm việc như vậy, Stefan nhượng bộ.

-   Nó lại giản dị nữa!

-   Ðúng, nhưng nó có thực sự phù hợp với dự án giáo dục mà chúng ta vừa soạn thảo không ? Ewa vặn hỏi. Nó có thật đáp ứng hết những gì chúng ta muốn phát triển không ? Tại sao thể thao mà không diễn tả bằng thân thể, tại sao quan sát mà không là lý luận? Thực sự hệ thống cũ thật giản dị, nhưng rốt cuộc lại chỉ là mục lục các sinh hoạt hay các kỹ thuật để học.

-   Tôi tự hỏi, Vladimir nói, có phải mình phức tạp hóa vấn đề không. Các Trưởng kỳ cựu họ rất thực tế.

-   Ðây không phải vấn đề phức tạp, Vladimir, mà là vấn đề quan niệm. Quan niệm có một khung sườn tổng quát vẫn phải giữ lại, nhưng tôi nghĩ rằng nó phải tương quan với các mục tiêu giáo dục mà không với các sinh hoạt. Khi nhu cầu của trẻ em thay đổi, ta không thể thay đổi sinh hoạt là đủ, anh hiểu không ?

-   Ewa có lý, Stefan tán thành. Tôi cũng đã nghĩ đến điểm này. Trong chương trình cũ, chúng ta đề nghị trẻ em thực tập Sémaphore hay Morse, thí dụ. Nếu, để hiện đại hóa chương trình, mình đề nghị thay thế các sinh hoạt này bằng việc xử dụng vô tuyến truyền tin, hay điện thoại, điều nó không phù hợp với cùng mục tiêu.

-   Tại sao không ? Vladimir hỏi.

-   Đơn giản lắm, trả lời Ewa. Sémaphore và vô tuyến truyền tin cả hai được dùng để truyền tin, đồng ý chứ ? Nhưng khi xử dụng Sémaphore, cùng lúc trẻ em được phát triển trí nhớ nhãn quan, khả năng quan sát và sự hòa hợp các động tác. Ðó là điểm anh không thể có với máy vô tuyến truyền tin.

-   Theo tôi, hình như đó là một thiếu xót mà Hướng Ðạo bên Âu Tây thường mắc phải, Stefan bổ túc thêm. Hè năm ngoái ở Ðức, tôi đã thấy các em Hướng Ðạo xử dụng Vi tính trong trại, nhưng lại không biết xử dụng địa bàn hay đọc được một bản đồ!

-   Có thể bên Ðức ngày nay, việc xử dụng máy Vi tính được cho là quan trọng cho các em hơn là xử dụng một địa bàn.

-   Ðúng, nhưng như vậy làm sao tổ chức trại và các cuộc thám du trong thiên nhiên?

-   Tại sao anh cứ nhất định phải có thám du trong rừng ? Vladimir bắt đầu nổi nóng.

-   Tất cả vấn đề là ở đây ! Ewa can thiệp vào để làm dịu căng thẳng. Cả hai anh đều có lý, quan trọng không phải tân thời hóa hay không các sinh hoạt, quan trọng là biết mục đích nào ta đề nghị sinh hoạt này, kia. Vì vậy, sinh hoạt chỉ là phương tiện để đạt đến đích giáo dục.

-   Stefan cố bào chữa : dù sao nữa, chắc chắn phải có những sinh hoạt phù hợp với các khái niệm căn bản Hướng Ðạo, như sinh hoạt trong thiên nhiên chẳng hạn.

-   Đúng vậy, nhưng quan trọng, luôn luôn phải biết mục tiêu giáo dục của các sinh hoạt này. Thí dụ, tại sao thiên nhiên lại quan trọng như vậy với Hướng Ðạo ? Nếu không có câu trả lời câu hỏi này, chúng ta rơi vào chủ nghĩa sinh hoạt : ta lập đi lập lại các sinh hoạt này vì đó là truyền thống, mà không tự hỏi tại sao. Khi đến lúc phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu mới, ta sẽ bó tay, bởi vì ta chưa bao giờ suy nghĩ về những gì chúng ta đã làm !

-   Này các bạn, Vladimir chen vào, cuối tuần này đã khá dài và mệt nhọc. Thú thật tôi hơi đuối về các sự việc này. Ewa có gì đề nghị không?

-   Có hai ý quan trọng qua cuộc đàm luận vừa rồi của chúng ta. Ý đầu tiên : chúng ta phải thử đua ra một khung sườn tổng quát, phù hợp cho tất cả các nghành, để có thể tổ chức được những mục tiêu giáo dục, và khung sườn này không thể chỉ là một xếp loại các sinh hoạt, như hệ thống cũ đã làm. Ý tưởng thứ hai là phải kiểm soát lại xem các đợt tuổi hiện tại của các nghành có còn phù hợp thực sự cho các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ em không.

-   Những điều này thiệt hết sức trìu tượng và cao siêu quá đối vói tôi, Vladimir càu nhàu.

-   Tại sao anh lại mất can đảm như vậy ? Ewa phản đối. Tôi có ý kiến, chúng ta xin ông giáo già của anh giúp đỡ. Những ý kiến mà ông cho anh đã giúp cho chúng ta nhiều cuối tuần này. Tôi đề nghị gởi cho ông 1 bản phúc trình buổi họp của chúng ta và xin ông cho biết nhãn quan giai đoạn kế tiếp. Anh nghĩ sao ?

-   Tại sao không, Vladimir trả lời. Với điều kiện cô nhận lấy việc này đi, tôi vừa tìm được việc làm nhỏ trong cơ xưởng 2 tuần lễ sắp đến, nên không còn thì giờ nhiều.

-   Ðược, các anh con trai ! Chúng ta tiến khá nhiều, đừng buồn phiền nữa. Mình đóng cửa về. Tôi mời các anh một ly quán cà phê Pétofi. Mình đáng được thưởng công.

Thứ Hai 14/09 lúc 8 giờ.

Hôm nay Ewa sẽ đến làm việc ở bệnh viện lúc 10 giờ, cô dậy sớm để viết cho giáo sư.

« Kính thưa giáo sư,

Nhân danh là chủ tịch Ủy Ban Chương Trình của Hội Hướng Ðạo, tôi xin thành thật cám ơn về sự giúp đỡ nhiệt tình của ông cho chúng tôi qua trung gian anh Vladimir Kosta, sự giúp đỡ đã đem đến thành công cho giai đoạn đầu của công việc : xác định được một chương trình giáo dục mới cho Hội. Chúng tôi đã soạn thảo được một dự án giáo dục tổng quát, với nó đã nói lên được lý do hiện hữu của Hội chúng tôi. Chúng tôi xin gởi kèm theo đây. Làm thế nào để tiến xa hơn nữa bây giờ? Ðó là câu hỏi mà Ủy Ban chúng tôi đặt ra. Có nên lấy lại chương trình cũ đã có từ 30 năm trước, tìm cách tân thời hóa nó từ những ý tưởng đã được nêu lên trong dự án giáo dục, hay phải cầu kỳ hơn nữa là tìm cách xác định cho mỗi tuổi mỗi mục tiêu giáo dục chi tiết, sau đó đề nghị các sinh hoạt để đạt đến ? Cá nhân tôi rất muốn theo đường lối thứ hai, nhưng thú thật, tôi chưa rõ phải làm như thế nào. Tôi rất ngưỡng mộ những ý kiến mà ông đã đưa ra cho Vladimir về giai đoạn đầu của chúng tôi, và tôi tự hỏi không biết ông có chấp nhận đến giúp đỡ chúng tôi một lần nữa không? Tôi biết rằng thì giờ đối với ông có giới hạn, nhưng sao tôi vẫn hi vọng ông sẽ đến thể giáo huấn chúng tôi. Trong khi chờ đợi, xin ông vui lòng nhận nơi đây, thưa ông Giáo, lòng ngưỡng mộ khôn nguôi của tôi.

Ngày 14/09/1992

Ewa Barkieta, Chủ Tịch Ủy Ban Chương Trình »

 

Dự án giáo dục của chúng tôi

1. Giới thiệu.

Chúng tôi là một phong trào gồm trẻ em và người lớn tự nguyện tham gia để hỗ trợ cho một nền giáo dục không thành văn, bổ túc cho gia đình và học đường.

Chúng tôi mời gọi tất cả giới trẻ, thanh niên nam nữ, không phân biệt chủng tộc, giai cấp xã hội, tôn giáo hay văn hóa, tham gia.

Chúng tôi hướng đến một sự phát triển toàn diện, bao gồm nhiều chiều kích của một cá nhân : thể xác và sức khoẻ, trí tuệ, tính khí, tinh thần và chiều kích xã hội.

Mục đích của chúng tôi là giúp từng trẻ em phát triển hết tiềm lực của nó hầu có thể đảm bảo hạnh phúc cá nhân và trở nên người công dân hoạt bát có óc trách nhiệm mà xứ sở chúng ta đang cần.

2. Các khó khăn giới trẻ gặp phải.

Chúng tôi hiểu biết các khó khăn đặc biệt mà giới trẻ đang đối phó trong tình hình biến chuyển đất nước chúng ta đang gặp phải.

  • Kinh tế thị trường, trong thời gian đầu, lôi kéo vào một cuộc chạy đua về thành công vật chất, tiền bạc làm chủ, cá nhân chủ nghĩa. Ta chứng kiến một cơn khủng hoảng về giá trị. « Tây phương »  hình như đầu tiên xuất cảng cho chúng ta những sản phẩm xấu nhất của họ: kỹ nghệ dâm dật, chủ nghĩa lợi nhuận, hối lộ, mafia, v,v...
  • Giá cả thị tăng vọt, thất nghiệp, giá trị xã hội suy đồi kéo theo cảm tưởng mất an ninh, lo sợ. Rất nhiều người phải làm nhiều nghề để sinh tồn và không còn thì giờ để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, cộng đồng.
  • Quan hệ giữa lớp trẻ và người lớn trở nên khó khăn, hơn nữa đơn vị gia đình phải đương đầu với mọi vấn đề và chính nó bị đe dọa bởi sự đồi bại đạo đức và khủng hoảng kinh tế.
  • Những khó khăn về tài chính đã làm giảm các giá trị học đường, đại học. Do những khó khăn về kinh tế và nạn thất nghiệp, lớp trẻ phải lệ thuộc vào cha mẹ và không thể sống tự lập được, điều mà họ mong muốn.
  • Môi trường thiên nhiên trong nước bị ô nhiễm trầm trọng do việc bỏ mặc, lơ là từ chục năm nay. Tình trạng này đe dọa một cách đặc biệt đến sức khỏe của trẻ em, thanh thiếu niên. Việc nhận thức về mấu chốt môi sinh là việc rất khẩn cấp.
  • Giới trẻ và giới trưởng thành thiếu sự đối thoại. Giới trẻ có cảm tưởng đụng vào bức tường khó hiểu. Xã hội hiện tại đối với họ quá cứng rắn, không có khả năng chấp nhận được các đặc thù cá nhân. Họ có cảm tưởng các khả năng, cùng ước vọng của họ không được biết đến và chẳng có thể làm được gì để giải quyết các vấn đề xã hội.
  • Giới trẻ có khuynh hướng tự khép mình lại. Họ lo sợ cho tương lai, sợkhông dám nhận trách nhiệm trong xã hội. Ða số mơ đến một xã hội khác và mong được ra đi. Số khác rơi vào bạo lực, tù tội. Ta đã chứng kiến nhiều cuộc nổi loạn vô cớ. Các giáo phái ít nhiều bí hiểm đã thu hút được nhiều chú ý, đồng ý kiến.

 3. Những cơ hội để phát triển.

Chúng tôi cũng nhận biết rằng trong xã hội chúng ta có nhiều những yếu tố tốt trên đó chúng tôi mong muốn dựa vào để ứng dụng phương thức của chúng tôi:

  • Mặc dù có những khó khăn kể trên, xã hội đã mở rộng nhiều. Có những cá nhân hoặc những nhóm người với óc doanh nghiệp, có thể tạo ra nhiều hoạt động xã hội hay kinh tế mới và sản xuất.
  • Tự do thông tin được tôn trọng dù sách vở báo chí còn mắc mỏ. Giới trẻ có thể đi lại dễ dàng và học hỏi.
  • Người ta đã khám phá ra ngày hôm nay rằng ngay cả lịch sử cũng bị bóp méo. Xã hội chúng tôi đang muốn tìm lại cội nguồn cùng văn hóa quốc gia và xác định lý lịch của mình.
  • Ðất nước không thiếu nhân tài, nhiều tài năng trí tuệ và rất năng động. Rất nhiều sáng kiến mới chỉ cần một ít khích lệ để bắt đầu. Những quan hệ quốc tế có thể giữ vai trò thúc đẩy việc này.
  • Tuổi trẻ có lý lẽ để hi vọng và tin tưởng vào tương lai. Ða số tìm sống chung với nhau, tự biểu lộ, xây dựng tình bạn trên các nguyên tắc sống đạo đức. Họ khước từ các qui ước và quan hệ hời hợt dựa trên lợi ích nhất thời. Những phê phán mãnh liệt cũng là những phản ảnh lạ lòng ước muốn ra khỏi cơn khủng hoảng.

 4. Những điều chúng tôi muốn làm.

Chúng tôi mong muốn, bằng hoạt động Hướng Ðạo, và bằng quan hệ giáo dục dựa trên sự truyền thông và tin tưởng, giúp đỡ lớp trẻ :

  • tìm ra khả năng của mình, cảm thấy được nhìn nhận như một cá thể, phát triển lòng tự tin và đạt đến một hệ thống các giá trị được tự do trình bày và được chấp nhận hầu xây dựng một nền móng vững chắc trên đó xây dựng đời sống cá nhân của họ;
  • tạo được một thái độ trách nhiệm đối với bản thân cũng như đối với người khác;
  • tôn trọng nhân phẩm của từng cá nhân, loại bỏ những định kiến kỳ thị hay bài ngoại;
  • tôn trọng môi sinh và tranh đấu chống lại hành vi lãng phí;
  • biết cách tự học hỏi và khám phá ra thực tế xã hội cấp địa phương, quốc gia và quốc tế;
  • khám phá ra các phụ thuộc giữa các cộng đồng nhân loại, cùng hiểu được ý nghĩa về công lý và sự hợp tác;
  • sửa soạn đối diện với những biến chuyển bằng cách tiếp thu kiến thức và khả năng cần thiết để kiểm soát các kỹ thuật mới cùng phát triển các khả năng thích nghi của nó;
  • tìm ra những động cơ và tiềm năng để hòa nhập vào xã hội, nơi đó giữ vai trò chủ động và góp phần vào sự phát triển của nó;
  • đủ khả năng lập một kế hoạch với ê kíp và lèo lái khéo léo nó dù khó khăn;
  • khám phá ý nghĩa của cuộc sống ẩn sau vẻ dáng vật chất bề ngoài cùng nhận ra chiều kích tinh thần của nó;
  • đào sâu cội nguồn văn hóa và tinh thần của cộng đồng của mình cùng lúc cởi mở, khoan dung đối với những cộng đồng và dân tộc khác.